Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cân nhắc phẫu thuật xác định giới tính cho người dưới 18 tuổi
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân đã có một bước tiến bộ khi quy định thành hai phương án đối với đối tượng người chuyển giới.
Tuy vậy, việc quy định hai loại quyền xác định lại giới tính và quyền của người chuyển giới trong một điều luật (Điều 40 của Dự thảo) còn khiên cưỡng. Bản thân quyền “xác định lại giới tính” là dành cho người liên giới tính (người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính, không thể định hình rõ mang giới tính nào…), còn quyền chuyển giới, phẫu thuật chuyển đổi giới tính là của người chuyển giới (sinh ra có giới tính sinh học rõ ràng nhưng có mong muốn, nhu cầu được chuyển đổi giới tính).
Cách dùng từ “xác định lại giới tính” cũng không thực sự chính xác. Người liên giới tính vốn dĩ sinh ra với trạng thái và đặc điểm cơ thể như vậy. Một cách gián tiếp, điều này đặt ra một quan điểm áp đặt những gì không điển hình nên phải “xác định lại” để trở nên giống như số đông.
Chính vì vậy, người viết bài này đề nghị điều luật chỉ nên dùng cụm từ “Quyền xác định giới tính”. Bên cạnh đó, nội dung điều luật cũng nên minh định rõ quyền này được áp dụng cho người liên giới tính.
Khoản 2 Điều 40 của Dự thảo quy định “Người đại diện theo pháp luật chỉ có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên...”. Theo ý kiến người viết, nên cân nhắc quy định việc tiến hành phẫu thuật xác định giới tính, không nên áp dụng cho đối tượng dưới 18 tuổi (chưa thành niên). Hãy để cho người đó tự quyết định về giới tính, về bản thân con người mình.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp người liên giới tính từ bé được bố mẹ đưa đi phẫu thuật xác định giới tính nhưng sau khi lớn lên họ không hài lòng với giới tính được xác định nên đã đi phẫu thuật lại. Đây cũng là khuyến cáo của nhiều tổ chức quốc tế về người liên giới tính, theo đó việc phẫu thuật đối với người liên giới tính chỉ nên được thực hiện khi người đó đã trưởng thành, được cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan để đưa ra một quyết định cho bản thân.
Cần ghi nhận quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính
Mặc dù việc Khoản 4 của Điều 40 đưa ra hai phương án cũng được xem là có tiến bộ nhưng đề nghị cần dứt khoát hơn bằng cách chọn và làm rõ hơn phương án 2. Theo đó, cần ghi nhận quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính của người chuyển giới.
Lý do đưa ra là, dưới góc độ nhân quyền quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc không đưa ra bất kì một nghĩa vụ đặc biệt nào về quyền con người đối với các nước thành viên, ngoại trừ nghĩa vụ chung là “hành động hỗ trợ và riêng biệt” để “đẩy mạnh sự tôn trọng, tuân theo sự tự do cơ bản và các quyền của con người đối với tất cả mọi người, không có sự phân biệt về giới tính, ngôn ngữ, hoặc tôn giáo”.
Bên cạnh đó, nội dung Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) đã nêu rất rõ vấn đề bình đẳng giữa nam và nữ, chống lại sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Vấn đề đặt ra là việc không thừa nhận quyền của người chuyển giới có được xem là bình đẳng hay không?
Ví dụ: Một người chuyển giới từ nam sang nữ (sinh ra có giới tính sinh học là nam nhưng mong muốn có giới tính là nữ)-bản chất của người này là phụ nữ nhưng lại không được sống là chính mình, không được hưởng những quyền riêng có của nữ giới thì có được xem là bình đẳng hay không? Ngược lại một người chuyển giới từ nữ sang nam, họ mong mình có giới tính là nam nhưng không được chấp nhận, vậy họ có được bình đẳng với những nam giới khác trong xã hội hay không? Thực chất, bình đẳng giới không chỉ hướng đến bình đẳng giữa hai giới nam và nữ mà còn phải đảm bảo bình đẳng ngay trong cùng một giới.
Ngoài ra, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, trong xã hội hiện đại, người chuyển giới Việt Nam ngày càng hiện diện rõ ràng hơn nhưng vẫn chưa được công nhận, chưa có quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Mặc dù người chuyển giới đang tồn tại, nhưng thực chất họ sống ngoài vùng phủ sóng, như người “vô hình”. Bản thân người chuyển giới (dù chưa phẫu thuật) gặp nhiều khó khăn trong đời sống, việc làm, tiếp cận y tế, an sinh xã hội, bị chính gia đình, xã hội kỳ thị... Trong khi đó, các cơ chế hỗ trợ, nhất là hỗ trợ pháp lý chưa thực sự hoàn thiện. Thực tế một số trường hợp người đã phẫu thuật chuyển giới bị xâm hại nhưng không được bảo vệ thích đáng.
Cũng xuất phát từ việc không được công nhận quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính như trên, việc thực thi pháp luật tố tụng hình sự đối với những người đã phẫu thuật chuyển giới tính cũng gặp khó khăn. Khi tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự (TTHS) cũng như trong quá trình thi hành án hình sự, có một số biện pháp cưỡng chế mà khi thực hiện cần căn cứ vào giới tính của đối tượng áp dụng như khám người, tạm giữ, tạm giam trong TTHS; thi hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân trong TTHS.
Thực tiễn áp dụng cho thấy, khi áp dụng các biện pháp này đối với người chuyển giới đã có một số khó khăn nhất định và có thể xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm và quyền tự do của họ.
Thời gian qua cũng có ý kiến lo ngại nếu cho phép chuyển đổi giới tính sẽ có nhiều người (không phải là người chuyển giới) đi phẫu thuật để trốn tránh pháp luật (tội phạm). Thực tế, việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính không thay đổi khuôn mặt (chỉ thay đổi nếu phẫu thuật thẩm mỹ). Một điểm rất quan trọng là dấu vân tay của người đó không thể thay đổi được. Hơn nữa, không phải muốn chuyển giới là được bởi nếu không thực sự là người chuyển giới sẽ khó vượt qua giai đoạn về kiểm tra đời sống thực (sống như giới tính mình mong muốn). Những hệ quả lâu dài (giảm tuổi thọ, không có khả năng có con cái, tiêm hormone suốt đời…) có thể làm nhiều người chuyển giới e ngại, bỏ cuộc chứ chưa nói đến những người dị tính hay đồng tính. Chính vì vậy, sự lo ngại trên là không hợp lý.
Từ những lý do trên, đề nghị Dự thảo BLDS sửa đổi nên công nhận quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính của người chuyển giới. Có thể thiết kế điều luật như sau:
“Điều...: Quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính
1. Quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính được áp dụng cho người chuyển giới (người mong muốn có giới tính khác so với giới tính khi được sinh ra).
2. Các vấn đề cụ thể về quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính do pháp luật quy định”.
Khi quy định quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính của người chuyển giới cũng cần lưu ý đến việc bổ sung quy định về thay đổi họ, tên đối với các trường hợp người chuyển giới đã tiến hành phẫu thuật.
Việc ghi nhận quyền xác định giới tính càng cho thấy nên ghi nhận quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính của người chuyển giới. Nhà nước không chỉ ghi nhận quyền của những người có khuyết tật bẩm sinh về cơ thể mà còn cần phải ghi nhận mong muốn chính đáng của những người chuyển giới.
Quy định về quyền nhân thân này của người chuyển giới cũng giúp mọi người hiểu được sự khác nhau giữa họ và người liên giới tính. Bản thân người liên giới tính cũng chỉ chiếm số ít trong xã hội giống như người chuyển giới nên không có lý do gì không công nhận quyền tương tự của người chuyển giới.
Người liên giới tính hay người chuyển giới đều là những điều tự nhiên của xã hội, không xuất phát từ ý chí chủ quan của người đó nên không gây hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội. Do đó, họ phải có các quyền nhân thân đầy đủ./.
Trương Hồng Quang
Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp)