Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Không thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở bị phạt đến 20 triệu đồng.
Chính phủ ban hành Nghị định 106/2025/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Nghị định 106/2025/NĐ-CP quy định phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với hành vi không ban hành hoặc không niêm yết nội quy, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Phạt từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không bố trí lực lượng, phương tiện của Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành trực chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hằng ngày.
Đặc biệt, Nghị định quy định phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở; phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi không thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.
Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt.
Cụ thể, mức phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng áp dụng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Phạt từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở những khu vực có quy định cấm; hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Nghị định quy định phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với các hành vi quy định trên khi để xảy ra cháy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghị định quy định phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi không duy trì thiết bị điện phòng nổ đã được trang bị, lắp đặt.
Đối với hành vi không trang bị, lắp đặt, sử dụng thiết bị điện phòng nổ bị phạt từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng.
Phạt từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không có giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà; không có hệ thống điện phục vụ phòng cháy và chữa cháy; không duy trì nguồn điện phục vụ phòng cháy và chữa cháy.
Đối với những vi phạm quy định về trang bị, lắp đặt phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, Nghị định quy định phạt từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi trang bị, lắp đặt đèn, phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn không bảo đảm theo quy định.
Phạt từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành không bảo đảm theo quy định.
Phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi không trang bị, lắp đặt đèn, phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn.
Đối với hành vi không trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở bị phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Phạt từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với hành vi không trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.
Đối với một trong các hành vi sau: Trang bị, lắp đặt thiết bị thuộc hệ thống báo cháy không bảo đảm theo quy định; trang bị, lắp đặt thiết bị thuộc hệ thống chữa cháy không bảo đảm theo quy định bị phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Phạt từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy; không trang bị, lắp đặt hệ thống chữa cháy; không trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ giới.
Mức phạt trên được áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân.
Hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư vi phạm các quy định của Nghị định này bị áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm hành chính.
Phương Nhi