Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tỉnh Cao Bằng có diện tích tự nhiên chưa đạt theo quy định nhưng không thuộc diện sáp nhập
Tại Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Chính phủ đã nêu rõ nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC).
Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển, quá trình sắp xếp ĐVHC các cấp ở Việt Nam, cơ sở khoa học về các yếu tố cấu thành ĐVHC cấp tỉnh và kinh nghiệm quốc tế, đề xuất 6 tiêu chí sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh gồm: Diện tích tự nhiên; quy mô dân số; tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc; tiêu chí về địa kinh tế; tiêu chí về địa chính trị; tiêu chí về quốc phòng, an ninh.
Căn cứ vào 6 tiêu chí và định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025, Kết luận số 130-KL/TW ngày 14/3/2025 và kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025, Chính phủ đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đa chiều với tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương thông qua với định hướng cụ thể như sau:
Có tổng số 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, gồm: 4 thành phố: Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và 48 tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hoà Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Kiên Giang.
Riêng đối với tỉnh Cao Bằng có diện tích tự nhiên chưa đạt theo quy định (6.700,4 km2 chỉ đạt 83,8% tiêu chuẩn) nhưng không thực hiện sắp xếp.
Nguyên nhân là vì tỉnh Cao Bằng có đường biên giới quốc gia rất dài giáp với nước Trung Quốc, địa hình đồi núi cao chia cắt phức tạp, hiểm trở, có gần 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Hơn nữa, các tỉnh giáp ranh với Cao Bằng đều không phù hợp để sắp xếp, sáp nhập: Phía Tây giáp ranh tỉnh Hà Giang đã dự kiến sáp nhập với tỉnh Tuyên Quang thành một tỉnh mới có diện tích tự nhiên lớn. Phía Nam giáp ranh với tỉnh Bắc Kạn nhưng đã dự kiến sáp nhập với tỉnh Thái Nguyên.
Phía Đông giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn có diện tích lớn và đã bảo đảm đạt 100% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và quy mô dân số, nếu sáp nhập tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn sẽ thành một tỉnh mới có chiều dài đường biên giới lớn, khó khăn trong công tác bảo đảm quốc phòng an ninh.
Trước đó, từng trao đổi về việc sắp xếp, sáp nhập tỉnh, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, mỗi tiêu chí rất quan trọng và được xem xét một cách cẩn trọng, thấu đáo.
"Mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp các đơn vị hành chính mà chúng tôi đề xuất với các cấp có thẩm quyền là tạo động lực phát triển đất nước ở tầm nhìn dài hạn", ông Phan Trung Tuấn nói.
Vụ Chính quyền địa phương cho rằng "mở rộng không gian phát triển" là tiêu chí rất lớn, song không thể tách rời các yếu tố địa lý, văn hóa, an ninh, quốc phòng, quy hoạch vùng, liên vùng... cũng như yêu cầu xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn như chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thực tế hiện nay cho thấy, đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ, nhiều tỉnh, thành phố gần như còn rất ít dư địa phát triển, đặc biệt là về quỹ đất dành cho sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư.
Điển hình như TP. Đà Nẵng hay tỉnh Bắc Ninh - những địa phương từng được xem là điểm sáng trong thu hút đầu tư, nay không gian phát triển đã dần thu hẹp, quỹ đất còn lại rất ít. Trong khi đó, nếu có thể mở rộng địa giới hành chính, kết nối với với các địa phương lân cận sẽ hình thành những đơn vị hành chính mới với quy mô rộng hơn, dư địa dồi dào hơn, từ đó tạo ra không gian phát triển mới, mang tính chiến lược và lâu dài.
"Việc sáp nhập, vì thế, không chỉ là điều chỉnh địa giới hành chính đơn thuần, mà còn là một giải pháp phát triển bền vững, mở ra dư địa mới để quy hoạch, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai", ông Tuấn nêu quan điểm.
Cũng theo ông Tuấn, bên cạnh các địa phương sáp nhập, trong phương án mà Bộ Nội vụ tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét thì có đề xuất một số tỉnh thuộc diện không sáp nhập, sắp xếp lần này.
Ông Tuấn lấy ví dụ tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài yếu tố diện tích tự nhiên, dân số rất lớn, hai tỉnh này sở hữu các yếu tố tiềm năng, lợi thế nội tại đủ lớn, đủ rõ ràng để có thể phát triển cho địa phương và tạo động lực cho cả vùng.
"Hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa đều nằm trong vùng Bắc Trung Bộ. Hai tỉnh này có thể ví như 'Việt Nam thu nhỏ' với đầy đủ vùng núi, đồng bằng, ven biển, biên giới, sân bay, cảng biển, đường bộ, cao tốc...", ông Tuấn phân tích.
Thu Giang