Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 8/12, Bộ LĐTB&XH tổ chức hội thảo cập nhật tình hình thực hiện khuyến nghị về quyền con người trong lĩnh vực lao động-xã hội theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (cơ chế UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Hội thảo do Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà chủ trì, với sự tham gia của Văn phòng Ban Chỉ đạo nhân quyền và đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị xã hội tại Việt Nam.
Đây là sự kiện quan trọng nhằm chia sẻ việc thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền LHQ trong lĩnh vực lao động-xã hội, đồng thời thảo luận về các khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp trong thời gian tới, chuẩn bị cho tiến trình xây dựng Báo cáo quốc gia về Cơ chế UPR chu kỳ IV.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ, mặc dù đã đi được hơn nửa chặng đường của UPR chu kỳ III, nhất là trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội cũng như việc thụ hưởng quyền con người, Việt Nam đã nỗ lực và thực hiện 82.6% các khuyến nghị đã chấp thuận với nhiều kết quả nổi bật.
"Việt Nam ghi dấu nhiều thành tựu ấn tượng so với các nước trong khu vực trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở lĩnh vực lao động, xã hội và bình đẳng giới, phòng, chống mua bán người", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định.
Tại Quyết định số 1975/QĐ-TTg, ngày 31/12/2019, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Bộ LĐTB&XH được giao chủ trì thực hiện 81 khuyến nghị liên quan đến người lao động, các đối tượng dễ bị tổn thương, các quyền kinh tế-xã hội liên quan đến giảm nghèo, an sinh xã hội và phối hợp thực hiện 39 khuyến nghị khác.
Trên cơ sở đó, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng kế hoạch thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III theo 6 lĩnh vực chính được do các đơn vị thuộc Bộ LĐTB&XH chủ trì và phối hợp thực hiện. Đó là: Hoàn thiện chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện quyền của người lao động; xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội; bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương gồm người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng thuộc chính sách bảo trợ xã hội, kể cả nạn nhân bị mua bán người; bảo đảm quyền của phụ nữ và bình đẳng giới; bảo đảm và bảo vệ quyền của trẻ em; các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các diễn giả là đại diện của Bộ Ngoại giao và các đơn vị trực thuộc Bộ LĐTB&XH trình bày về những thành tựu, khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các khuyến nghị trong Cơ chế UPR chu kỳ III.
Các báo cáo cho thấy, trong 13 năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực, trách nhiệm tại Cơ chế UPR, tỉ lệ chấp thuận và thực hiện khuyến nghị cao dần đều qua 3 chu kỳ chứng tỏ năng lực về thể chế, nguồn lực và tài chính tại Việt Nam ngày càng được nâng cao và mở rộng.
Hội thảo cũng thống nhất việc thực hiện các khuyến nghị của UPR chia theo 6 nhóm thuộc trách nhiệm của Bộ LĐTB&XH đã góp phần nâng cao được quyền của các nhóm yếu thế, của người lao động, tăng cường an sinh xã hội và góp phần đảm bảo ổn định chính trị - kinh tế và xã hội của đất nước, đảm bảo chất lượng quyền con người của Việt Nam.
Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức và những giải pháp cần thúc đẩy trong các nội dung liên quan để đảm bảo triển khai và thực hiện tốt hơn nữa các khuyến nghị trong Cơ chế UPR trong thời gian tới, đặc biệt chuẩn bị cho tiến trình xây dựng Báo cáo quốc gia về Cơ chế UPR chu kỳ IV.
Tháng 1/2019, trong khuôn khổ Khóa họp 41 của Hội đồng Nhân quyền LHQ đã diễn ra phiên họp thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế UPR chu kỳ III. Theo đó, Việt Nam đã chấp thuận 241 trong tổng số 291 khuyến nghị nhận được.
Tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ khóa 77 tại Mỹ ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành 1 trong 14 thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Thu Cúc