Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngược dòng thời gian, hơn 60 năm trước, đi theo tiếng gọi của Trung ương Đảng và Bác Hồ, mùa thu năm 1959, có 860 giáo viên miền xuôi xung phong mang ánh sáng văn hóa đến với các thôn, bản xa xôi nơi vùng cao Tây Bắc - Việt Bắc.
Khi tình nguyện đến các bản vùng cao dạy chữ, mỗi giáo viên miền xuôi đều mang theo một trái tim sẵn sàng hy sinh thầm lặng để cho con chữ được nảy mầm, sinh sôi trên những vùng đất khó.
Nhớ lại những ngày mùa thu lịch sử năm 1959, đất nước bắt đầu bước vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với nhiều khó khăn về kinh tế và văn hóa, tinh thần. Ngày đó, 99% đồng bào các dân tộc Tây Bắc còn mù chữ, các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại rất nặng nề.
Với mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục ở miền núi, góp phần làm cho vùng cao tiến kịp đồng bằng, 860 giáo viên tình nguyện đã xung phong lên các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc mang ánh sáng văn hóa đến với đồng bào.
Báo Nhân Dân ra ngày 27/9/1959 trong bài xã luận "Hoan hô 860 giáo viên sắp lên đường phục vụ miền núi", có đoạn: "Lớp cán bộ giáo dục miền xuôi đầu tiên xung phong lên công tác ở miền núi lần này hầu hết đều là anh chị em giáo viên quốc lập và dân lập cấp I và một số giáo viên cấp II và cấp III, ở hầu hết các tỉnh đồng bằng và trung du. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng và thấm nhuần chính sách dân tộc của Ðảng và Chính phủ, các đồng chí đã tự nguyện và quyết tâm góp phần đưa ánh sáng văn hóa tới các vùng miền núi, tới tận những vùng rẻo cao xa xôi nhất. Ðó là một thắng lợi của tinh thần yêu nước và tư tưởng xã hội chủ nghĩa, một thắng lợi của chính sách dân tộc của Ðảng và Chính phủ".
Không chỉ giúp cho hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết, mà rất nhiều lứa học sinh của thế hệ giáo viên năm ấy, nay đã trưởng thành, trở thành những cán bộ ưu tú, mẫn cán của hệ thống chính trị từ Trung ương đến nhiều địa phương trong cả nước.
Họ chính là những viên gạch hồng đầu tiên, góp phần xây dựng sự nghiệp giáo dục - đào tạo các tỉnh miền núi phát triển.
Nghề dạy học là nghề vinh quang, là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Còn đối với những giáo viên vùng cao, giáo viên cắm bản, họ phải sống xa gia đình, xa người thân, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, ngày nối ngày, kiên trì bám trụ ở các thôn, bản xa xôi, để cho giấc mơ con chữ của học trò vùng cao được trọn vẹn.
Đã 60 năm trôi qua, dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm", nhưng kỷ niệm về những ngày đầu đến với Tây Bắc vẫn là một phần thiêng liêng trong đời sống tâm hồn của những giáo viên tình nguyện năm nào.
Thầy Nguyễn Thanh Đàm, sinh năm 1932, tại Hà Nam, bồi hồi nhớ lại, năm 1951, thầy bắt đầu dạy bình dân học vụ, đến năm 1954, thầy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường PTCS La Sơn (Hà Nam). Mùa thu năm 1959, phong trào xung phong tình nguyện lên Tây Bắc dạy học diễn ra sôi nổi, thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, chấp nhận rời bỏ công việc ổn định, xa người vợ trẻ cùng con thơ, thầy Nguyễn Thanh Đàm cùng 48 giáo viên cấp I, cấp II của tỉnh Hà Nam đã xung phong lên dạy học ở Khu tự trị Thái-Mèo.
Dù nay đã ở tuổi "xưa nay hiếm", nhưng trong tâm trí thầy vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm xúc động được đón Bác Hồ tới thăm, động viên.
Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, tất cả giáo viên được tập trung về Trường Bổ túc Công nông Trung ương tại Giáp Bát - Hà Nội để học những điều cần thiết cho công tác miền núi.
"Hôm đó, ngày 22/9/1959, đúng 15h30', khi chúng tôi tập trung đông đủ như bao buổi học khác thì có một đoàn xe tiến sát cửa phía trên của hội trường. May mắn ngồi gần ở hàng ghế đầu nên tôi nhìn ngay thấy Bác Hồ từ xe bước ra trong tiếng hoan hô vang dậy của hàng nghìn người.
Tôi nhớ như in, Bác mặc bộ quần áo lụa màu gụ, đi đôi dép cao su đen, thoăn thoắt bước lên giữa sân khấu, giơ hai tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Cả hội trường lớn ồn ào là vậy mà không ai bảo ai, mọi người cùng ngồi xuống và yên lặng đến lạ kỳ. Đưa mắt nhìn hàng ghế đầu thấy có một số cô giáo còn trẻ, Bác hỏi:
- Các cháu gái cũng xung phong lên miền núi à?
Lúc đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đứng lên:
- Thưa Bác, đây là các cô ở lớp mẫu giáo học bồi dưỡng, được ban tổ chức cho dự buổi đón Bác.
Bác hỏi tiếp:
- Thế các cháu có biết mẫu giáo là gì không?
- Thưa Bác, mẫu giáo là người mẹ thứ hai để dạy các cháu - một cô đứng dậy thưa.
Bác cười và dùng ngón tay vừa viết lên không khí vừa nói: "Có hai chữ "mẫu", một chữ là mẹ, một chữ "mẫu" có thêm chữ "nữ" đứng cạnh để dùng chỉ người con gái thay mẹ dạy trẻ. Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được như thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non, trồng cây non được tốt thì sau này cây mới lên tốt. Dạy trẻ tốt thì sau này thành người tốt…".
Buổi gặp mặt đó, Bác nói với 860 giáo viên các tỉnh miền xuôi tình nguyện xung phong lên công tác ở miền núi về những khó khăn, thử thách sẽ gặp phải khi công tác ở miền núi như: Giao thông đi lại khó khăn, bà con còn nhiều hủ tục, trình độ học vấn còn thấp kém, nhiều người mù chữ…
Bác ân cần dặn dò, muốn lên miền núi phải có sức khỏe tốt, phải biết tổ chức tăng gia sản xuất, nhất là trồng rau xanh. Bác giao nhiệm vụ: Các cô, các chú phải đem ánh sáng văn hóa cho đồng bào, phải làm cho đồng bào biết chữ, biết bỏ dần các tập quán lạc hậu, biết cải tiến cách trồng trọt, chăn nuôi để cho miền núi tiến dần kịp miền xuôi…
Để làm được thì các cô, các chú phải biết giữ gìn đoàn kết với đồng bào. Đặc biệt, Người nhắc nhở: "Các cô, các chú đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn!".
Hình ảnh và lời dặn dò ân tình của Bác đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần để thầy giáo Nguyễn Thanh Đàm và lớp thế hệ giáo viên trẻ ngày ấy đến với rẻo cao Tây Bắc, Việt Bắc, thoàn thành tốt nhiệm vụ khó khăn được giao.
Ngày ấy, các thầy, cô là những thanh niên mười tám, đôi mươi, phơi phới, lạc quan, yêu đời, tràn đầy nhiệt huyết. Không thể kể hết được những khó khăn, gian khổ mà các thầy, cô đã trải qua trong những năm tháng ấy.
Tuy nhiên, với sức trẻ và nhiệt huyết cách mạng, họ đã bắt tay vào công cuộc dạy chữ, xóa mù, diệt giặc dốt cho học trò vùng cao. Đồng thời, hướng dẫn bà con tăng gia sản xuất, loại bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống mới.
Thực hiện "ba cùng" với đồng bào, các thầy, cô sáng lên lớp, chiều cùng bà con lên nương, lên rẫy trồng khoai, sắn, làm ra lương thực thực phẩm.
44 năm công tác trong ngành giáo dục với hơn 37 năm bám trụ ở Tây Bắc, thầy Nguyễn Thanh Đàm trải qua nhiều vị trí công tác, trong đó, lâu nhất là tại Trường Sư phạm Dân tộc tỉnh Nghĩa Lộ (nay là thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái).
Những năm chiến tranh leo thang, Mỹ đánh bom nhiều đợt xuống Trường Sư phạm Dân tộc tỉnh Nghĩa Lộ nên trường phải di chuyển, sơ tán. Khó khăn chồng chất, thầy và trò vừa xây dựng trường, vừa tổ chức dạy và học...
Vượt qua khó khăn của 6 năm liền sơ tán, thầy trò nhà trường vẫn vững vàng, hăng hái thi đua. Thầy Đàm và tập thể Trường Sư phạm Dân tộc Nghĩa Lộ đã đào tạo được hơn 800 giáo viên cho vùng cao, nhà trường vinh dự đạt danh hiệu "Trường tiên tiến chống Mỹ cứu nước".
Thấm thoắt đã hơn 60 năm kể từ ngày 860 giáo viên miền xuôi tình nguyện rời xa quê hương, xa người thân, mang theo "Ngọn cờ đỏ của Ðảng cắm lên những ngọn núi cao nhất" của Tây Bắc, Việt Bắc như lời của Nhà thơ Tố Hữu.
Từ buổi đầu xanh đến khi mái tóc đã chuyển màu mây trắng, cuộc đời, sự nghiệp đã gắn bó các thầy một cách máu thịt với Tây Bắc. Những giáo viên ấy đã lấy miền núi làm quê hương thứ hai, coi đồng bào các dân tộc thiểu số như anh em ruột thịt nơi núi rừng thuộc Khu tự trị Thái-Mèo.
Những người thầy đã bám bản, bám dân, vừa nỗ lực đưa chữ đến cho hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số, vừa là những cán bộ mẫn cán, giúp đồng bào giác ngộ chính trị, làm trọn nhiệm vụ vẻ vang của người thanh niên và người giáo viên yêu nước. Chính họ là những "chiến sĩ văn hoá" đã góp phần tạo nên sức bật cho giáo dục miền núi trong suốt những năm tháng khởi đầu, để nhiều thế hệ "tuổi trẻ tương lai Tổ quốc, lớn lên trong chiếc nôi quê hương Việt Nam".
Phương Liên