Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về những nỗ lực trong thu hút vốn đầu tư FDI của tỉnh và triển vọng hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam, đặc biệt là Thái Bình với các đối tác Nhật Bản.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải, hòa cùng dòng chảy 50 năm quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam-Nhật Bản, quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thái Bình với các đối tác Nhật Bản ngày càng phát triển, trở thành một trong những đối tác tin cậy, quan trọng trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là hợp tác kinh tế.
Hiện tỉnh Thái Bình có 5 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 150 triệu USD.
Đặc biệt, dự kiến, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nhật Bản tới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo tỉnh Thái Bình sẽ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình cho liên danh 3 nhà đầu tư: Công ty Tokyo gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành của Việt Nam.
Đây là dự án có quy mô lớn, với công suất 1500 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Dự án có ý nghĩa quan trọng, khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển, nâng cao quy mô nền kinh tế cũng như vị thế của tỉnh; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài ra, tỉnh cũng đang đẩy mạnh hợp tác với Tập đoàn Marubeni Nhật Bản trong nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, Nhật Bản là thị trường trọng điểm, truyền thống của tỉnh Thái Bình, giữ tỉ trọng ổn định ở mức 13-17% so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong những năm qua. Trong tổng số hơn 300 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 doanh nghiệp hiện hoạt động xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở địa phương.
Theo đồng chí Ngô Đông Hải, những năm qua, Thái Bình được đánh giá là tỉnh năng động, có nhiều tiềm năng khác biệt, có lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư, môi trường an ninh xã hội, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, lực lượng lao động…
Đặc biệt, tỉnh đang có lợi thế về quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, với 10 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Thái Bình và 49 cụm công nghiệp đã hình thành trên địa bàn 8 huyện, thành phố với tổng diện tích khoảng gần 3.000 ha đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng luôn sẵn sàng chào đón nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
Nổi bật và hấp dẫn là Khu Kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập với diện tích là 30.583 ha với 22 khu công nghiệp với diện tích là 8.020 ha đất công nghiệp; có vị trí địa lý thuận lợi, cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35 km, cách cảng biển quốc tế Lạch Huyện khoảng 50 km...
Cùng với đó là nhiều chính sách ưu đãi mạnh mẽ, cao nhất của Việt Nam đối với các dự án đầu tư vào địa bàn và sự quyết liệt, đồng hành với nhà đầu tư của lãnh đạo tỉnh.
Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều khu công nghiệp mới được thành lập như: Khu Công nghiệp Liên Hà Thái, Khu Công nghiệp Hải Long, Khu Công nghiệp VSIP Thái Bình... Những khu công nghiệp này đã và đang trở thành "cứ điểm" thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Về triển vọng quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thái Bình với các đối tác Nhật Bản thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho rằng, hiện tại, thu hút đầu tư tại Thái Bình đã chuyển dần từ "lượng" sang "chất", nghĩa là chuyển dần từ cơ chế bị động sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, giám sát ô nhiễm các dự án thu hút đầu tư.
Sự thay đổi này đã làm cho dòng vốn thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp không ồ ạt như trước mà sẽ được sàng lọc kỹ hơn, chất lượng hơn. Thực tế những dự án thu hút mới và tăng vốn đầu tư thời gian qua đều là những lĩnh vực Thái Bình đang khuyến khích đầu tư như: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp điện tử, cơ khí, phụ trợ; lĩnh vực dược, mỹ phẩm.
Ngoài ra, Thái Bình cũng mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản tìm hiểu và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao bởi đây vừa là lợi thế mạnh của các nhà đầu tư Nhật Bản, vừa tận dụng được tiềm năng, dư địa phát triển của tỉnh Thái Bình.
Cùng với đó, Thái Bình thường xuyên quan tâm, khuyến khích việc chuyển đổi, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tăng cường sự tuần hoàn để thu hồi vật liệu và năng lượng, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường đối với các dự án đầu tư vào tỉnh.
Nhật Bản là quốc gia có thế mạnh trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là các ngành nghề như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới... Đây là những lĩnh vực mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng khăng khít và phát triển nhanh chóng, quan hệ giữa Thái Bình và các đối tác Nhật Bản ngày càng rộng mở; các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ trở thành một yếu tố không thể thiếu được đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chia sẻ về những cơ chế, chính sách nào để cải thiện môi trường kinh doanh, chào đón, thu hút hơn nữa các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản, đồng chí Ngô Đông Hải nhấn mạnh, địa phương luôn coi việc của nhà đầu tư là việc của tỉnh và luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện dự án cũng như trong suốt quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng quyết liệt xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực… sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Từng bước quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội nhằm tạo ra môi trường sống tốt nhất để thu hút người lao động, chuyên gia đến làm việc và sinh sống lâu dài tại Thái Bình.
Trong đó phải kể đến một số dự án lớn như: Dự án Công ty TNHH Compal Electronic (Việt Nam) xây dựng nhà máy sản xuất, gia công máy vi tính, thiết bị ngoại vi của máy vi tính của Công ty Billion Sea Holdings Limited với tổng mức đầu tư dự kiến 260 triệu USD; dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tấm bán dẫn Silic tinh thể dùng để sản xuất tấm tế bào quang điện của Công ty ET Solar Power HongKong Limited với tổng mức đầu tư dự kiến 150 triệu USD; dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đồ uống của Tập đoàn HiteJinro với tổng mức đầu tư dự kiến 100 triệu USD; dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình cho liên danh 3 nhà đầu tư: Công ty Tokyo gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành của Việt Nam dự kiến với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD; dự án nghiên cứu và phát triển, sản xuất các dòng xe điện và ô tô điện cỡ nhỏ tại Thái Bình...
Nhân chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và hoạt động song phương tại Nhật Bản, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhận định, chuyến thăm sẽ đánh dấu một cột mốc vô cùng quan trọng; làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, hiệu quả, phục vụ lợi ích thiết thân của nhân dân hai nước, đóng góp vào hoà bình và phồn vinh ở châu Á.
Sau chuyến thăm này, quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên tầm cao mới bởi Việt Nam và Nhật Bản có sự tin cậy về chính trị, sự tương đồng về lợi ích chiến lược.
Việc tham gia đoàn công tác tới Nhật Bản lần này của tỉnh Thái Bình được coi là một cơ hội lớn để tỉnh tăng cường quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cũng như cơ hội hợp tác đầu tư giữa Thái Bình với các đối tác Nhật Bản; trao đổi về định hướng phát triển và nhu cầu của tỉnh về hợp tác đầu tư trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, ngoài việc trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình cho liên danh 3 nhà đầu tư; tỉnh Thái Bình dự kiến tổ chức các hoạt động gặp gỡ, xúc tiến đầu tư với nhiều đối tác Nhật Bản để trao đổi, đàm phán hợp đồng cho một số chương trình dự án lớn của tỉnh.
"Chúng tôi cũng kỳ vọng không chỉ các hợp đồng được ký kết trong dịp này mà sau chuyến công tác, tiếp tục có nhiều ký kết được thực hiện, nhiều cơ hội hợp tác đầu tư giữa tỉnh Thái Bình, doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp và đối tác Nhật Bản được mở ra.
Đây cũng là tiền đề quan trọng để thời gian tới các doanh nghiệp Nhật Bản đến Thái Bình tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực, góp phần làm cho mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản và quan hệ hợp tác phát triển giữa tỉnh Thái Bình với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản ngày càng phát triển", đồng chí Ngô Đông Hải nói./.
Hoàng Giang