Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhiều vị trí, khoảng néo vẫn vướng GPMB
Theo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB), đây là dự án trọng điểm có quy mô 2 mạch, dài hơn 43 km, gồm 117 vị trí móng cột, từ huyện Bắc Quang của tỉnh Hà Giang đến huyện Lục Yên của tỉnh Yên Bái.
Dự án được đầu tư nhằm giải tỏa hết công suất của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Hà Giang lên hệ thống điện quốc gia; qua đó nâng cao độ an toàn tin cậy, ổn định cung cấp điện cho hệ thống điện miền Bắc nói chung; trong đó có các tỉnh Hà Giang, Lào Cai và Yên Bái.
Tuy nhiên, hiện dự án truyền tải điện quan trọng này hiện vẫn đang bị chậm tiến độ do vướng GPMB.
Ông Phùng Bảo Anh, Phó Giám đốc NPMB cho biết, hiện toàn tuyến đường dây còn 1 vị trí cột và 14 khoảng néo trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) và 1 vị trí cột và 10 khoảng néo trên địa bàn huyện Bắc Quang (Hà Giang) chưa thể thi công.
Cụ thể, tại huyện Lục Yên, hiện có 34/35 vị trí cột móng đã hoàn thành, còn vị trí cột 20 chưa có mặt bằng do người dân chưa đồng ý mức tiền đền bù, 14 khoảng néo cũng đang bị dừng lại do hành lang tuyến chưa giải quyết xong đền bù.
Tại huyện Bắc Quang, hiện đã có 81/82 vị trí cột đã hoàn thành, chỉ còn vị trí cột 94 người dân yêu cầu đơn giá bồi thường gấp 4 lần quy định. Cùng với đó, 20/30 khoảng néo đã giải tỏa xong hành lang tuyến, hiện còn 10 khoảng néo vẫn đang vướng mắc do 28 hộ dân chưa đồng thuận để nhận tiền đền bù.
Theo kế hoạch, đến ngày 30/6/2022, dự án sẽ phải đóng điện nhưng đến nay đã quá hơn nửa tháng, dự án vẫn chưa thể hoàn tất. Trong khi đó, trạm biến áp 220 kV Bắc Quang đã hoàn thành từ cuối tháng 4/2022, chỉ chờ hoàn thành nốt đường dây 220 kV để hoàn tất công việc đóng điện cả dự án này.
NPMB cho biết, trên nhiều vị trí của dự án xây dựng đường dây 220 kV mạch kép đấu nối trạm biến áp 220 kV Bắc Quang, nhà thầu thi công vẫn đang chờ có mặt bằng sạch để triển khai.
Đề cập về những vướng mắc trong công tác GPMB của dự án này, ông Đồng Xuân Sang, Chỉ huy trưởng tuyến đường dây 220 kV mạch kép đấu nối trạm biến áp 220 kV Bắc Quang, cho biết, Công ty cổ phần Sông Đà 11 phụ trách thi công toàn bộ 117 vị trí móng cột, hiện tại đơn vị đã hoàn thành trên 80% khối lượng. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng nên một số hạng mục, vị trí còn lại đơn vị chưa triển khai được.
"Hiện dự án phụ thuộc rất nhiều về đền bù GPMB. Nếu trong tháng 7 này có thể hoàn thành đền bù thì tháng 8 đơn vị sẽ sớm hoàn thành thi công", ông Sang khẳng định.
Chỉ huy trưởng tuyến đường dây 220 kV mạch kép đấu nối trạm biến áp 220 kV Bắc Quang cho biết thêm, ở các vị trí như 91 và 84, đơn vị đã tập trung vật tư được 3 tháng nhưng do người dân không đồng thuận trong đền bù nên nhà thầu chưa làm được.
Ông Nguyễn Đàm Thuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho biết, hiện địa phương này đang có nhiều dự án lớn, trọng điểm của tỉnh và của ngành điện.
Tuy nhiên, với ý nghĩa quan trọng của dự án, huyện Bắc Quang đã thành lập Tổ tuyên truyền-giám sát việc GPMB các dự án do Mặt trận Tổ quốc và các đơn vị thành viên tham gia.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền xuống các hộ dân thì Tổ cũng bám sát cơ chế chính sách của Nhà nước, giám sát việc thực hiện, bảo đảm tiến độ GPMB nhanh nhất có thể.
"Thời gian qua, chúng tôi luôn phối hợp rất chặt chẽ với NPMB để thông tin, tháo gỡ vướng mắc nếu có. Chúng tôi cam kết sẽ đẩy nhanh các thủ tục, hoàn thành GPMB trong thời gian sớm nhất, theo quy định của pháp luật", Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang khẳng định.
Thực tế triển khai GPMB tại huyện Bắc Quang cho thấy trường hợp vị trí cột 51 liên quan đến 4 hộ dân; trong đó có 2 hộ nhận tiền đề bù và 2 hộ không nhận tiền.
Sau khi tuyên truyền vận động, phân tích đầy đủ cơ chế chính sách của Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật nhưng người dân không hiểu hoặc cố tình không thực hiện, chính quyền huyện đã buộc phải ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
Chỉ ngay sau vài ngày ra quyết định cưỡng chế, hai hộ còn lại đã viết đơn đồng thuận nhận tiền đền bù. Điều này cho thấy, sự vào cuộc sát sao, nhanh chóng của địa phương là rất quan trọng trong công tác đền bù, GPMB, ông Thuyên chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cũng cho hay, trên địa bàn huyện còn vị trí cột 94, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân hiểu, cố gắng không phải cưỡng chế, bảo vệ thi công, phấn đấu sớm nhất bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, với vướng mắc về mặt bằng tại vị trí cột 20, ông Đặng Minh Hiệp, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Lục Yên cho biết, đối với hộ dân chưa nhận đề bù gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án tại vị trí cột 20, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền xã mời lên làm việc nhiều lần và đang tiến hành các bước theo quy định của pháp luật.
Tuy vậy, lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Lục Yên chưa cho biết bước tiếp theo là gì nếu hộ dân không chấp hành sau khi được vận động, thuyết phục nhiều lần và tiến hành đầy đủ các bước theo quy định của pháp luật.
Biên bản làm việc với các hộ dân, thời hạn tiến hành các bước, thủ tục cưỡng chế, bàn giao mặt bằng... cũng chưa được Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Lục Yên cung cấp.
Đến thời điểm này, huyện Lục Yên vẫn "chưa chốt được thời hạn" thời điểm nào bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Hiện nay phần lớn các dự án truyền tải điện quan trọng bị ảnh hưởng tiến độ đều có những vướng mắc liên quan đến GPMB, trong khi nhu cầu bảo đảm điện cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch rất lớn.
Những vướng mắc và chậm chễ này nếu không được giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Vì vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía chính quyền các địa phương nơi triển khai thực hiện dự án để các dự án này không bị ảnh hưởng đến tiến độ chỉ vì lý do vướng GPMB.
Toàn Thắng