Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về vấn đề sạt lở tại ĐBSCL, chuyên gia sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện đã chỉ rõ những nguyên nhân cốt lõi gây ra sạt lở và phân tích 3 giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng này.
Phân tích những nguyên nhân cốt lõi gây sạt lở bờ sông, bờ biển tại ĐBSCL, ông Nguyễn Hữu Thiện nhận định, ĐBSCL là một châu thổ trẻ do phù sa (bùn, cát) của sông Mekong bồi đắp tạo nên. Trong điều kiện tự nhiên trước đây, trung bình hằng năm dòng sông Mekong tải về khoảng 160 triệu tấn bùn và 30 triệu tấn cát trong mùa nước. Một phần bùn theo kênh rạch vào ruộng vườn bồi đắp cho đất đai, còn khoảng 100 triệu tấn được dòng sông mang ra bồi đắp bờ biển. Cát là vật liệu nặng nên nằm ở đáy sông Tiền, sông Hậu. Cát hạt thô, nặng thì nằm ở đoạn đầu nguồn ở An Giang, Đồng Tháp. Cát mịn, nhẹ hơn thì xuống đoạn sông bên dưới và một phần ra biển bồi đắp bờ biển ở vùng cửa sông Cửu Long từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc trăng.
Đối với một đồng bằng châu thổ do phù sa bồi đắp tạo nên như ĐBSCL thì sạt lở bờ sông, bờ biển gồm 2 loại: Sạt lở tự nhiên và sạt lở tăng tốc do tác động của con người thêm vào.
Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, một dòng sông tự nhiên không đứng yên mà nó luôn tiến hóa, điều chỉnh dịch chuyển qua lại. Bờ biển cũng vậy, cũng không đứng yên, luôn tự điều chỉnh qua thời gian. Khi lượng phù sa sông Mekong tải về còn dồi dào thì bồi đắp nhiều hơn gấp nhiều lần so với sạt lở. Do đó, trong 6.000 năm bồi đắp, ĐBSCL luôn nở ra và tiến về phía biển Đông trung bình 16 m/năm, về hướng Mũi Cà Mau 26 m/năm.
"Đến đầu thập niên 1990, khi các đập thủy điện xuất hiện trên lưu vực Mekong, thì lượng bùn cát về ĐBSCL bắt đầu giảm và sạt lở gia tăng. Năm 2005 có thể xem là điểm cân bằng khi sạt lở đuổi kịp bồi đắp. Càng về sau càng có nhiều đập thủy điện và hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ ở tất cả các quốc gia trên suốt chiều dài sông Mekong thì lượng bùn cát suy giảm nghiêm trọng làm cho sạt lở ngày càng tăng tốc dữ dội", ông Nguyễn Hữu Thiện thông tin.
Thiếu bùn trong dòng nước làm cho dòng sông trở thành dòng "nước đói", ăn vào bờ để cân bằng động lực. Thiếu cát làm cho đáy sông sâu hơn, bờ sông nặng hơn dễ sụp đổ hơn. Khi đáy sông Tiền, sông Hậu bị sâu nó rút đáy sông nhánh ra làm cho sông nhánh cũng bị sâu. Tới lượt mình sông nhánh lại rút đáy sông con, kênh rạch ra. Sạt lở vì vậy lan tỏa khắp đồng bằng.
Ông Nguyễn Hữu Thiện khẳng định, sự thiếu hụt bùn, cát tức là thiếu hụt chính nguồn vật liệu bồi đắp tạo nên đồng bằng này là nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tràn lan ở ĐBSCL ngày nay. Tất cả các yếu tố khác đều là phụ, cục bộ từng nơi, không phải là nguyên nhân phổ quát. "Nếu chúng ta không rõ cái nào là nguyên nhân chính, cái nào là phụ thì biện pháp thích ứng dễ bị lạc hướng theo các yếu tố phụ, gây phung phí nguồn lực", ông Nguyễn Hữu Thiện nêu quan điểm.
Phân tích thêm, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nhìn nhận: "Chúng ta cần phân biệt giữa nguyên nhân gây ra sạt lở và tính dễ bị tổn thương đối với sạt lở".
Ví dụ, cho rằng địa chất yếu của đồng bằng là một nguyên nhân gây sạt lở thì chưa đúng. Địa chất của đồng bằng yếu thì dễ bị sạt lở, dễ bị tổn thương chứ không phải là nguyên nhân. Địa chất của ĐBSCL luôn yếu như thế chứ không phải mới yếu gần đây. Trước đây địa chất vẫn yếu nhưng không có sạt lở tràn lan. Ngày nay sạt lở tràn lan là do sự mất cân bằng khác.
Cho rằng sạt lở tràn lan ở ĐBSCL là do chế độ thủy triều nước lớn, nước ròng (thủy triều cao, thủy triều thấp trong ngày) ở ĐBSCL chênh lệch quá lớn; nước lớn vào làm đất ngậm nước bị mềm, nước ròng rút ra làm bờ sông bị tuột theo... là không đúng, vì ĐBSCL luôn có thủy triều từ ngàn xưa, không phải mới có gần đây.
Hay một nguyên nhân được đề cập đến là sạt lở do tập quán người dân sống ven sông, cất nhà cửa ven sông làm nặng bờ sông gây ra sạt lở. Điều này cũng không đúng, vì có những căn nhà đã tồn tại 60-70 năm, trước đây không sạt lở nay sạt lở là do biến động khác. Có những đoạn bờ sông sạt lở không có nhà cửa ven sông vẫn sạt lở. Nhà cửa ven sông là nạn nhân chứ không phải là nguyên nhân của sạt lở.
Ngày nay chúng ta thường hay nghe rằng phải tìm giải pháp căn cơ, lâu dài cho tình hình sạt lở ở ĐBSCL. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng giải pháp căn cơ không có nghĩa là chặn đứng được tình hình sạt lở, mà phải đặt mục tiêu là giảm thiểu thiệt hại.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho biết, để ứng phó với sạt lở, chúng ta có thể nghĩ tới 3 nhóm giải pháp, đó là giải pháp công trình, giải pháp mềm và giải pháp rút lui.
Giải pháp công trình có ưu điểm là nhanh, bảo vệ được một số nơi trong một thời gian, nhưng cũng đã bộc lộ hàng loạt nhược điểm. Biện pháp công trình rất đắt đỏ, mỗi công trình có thể tốn từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Chúng ta sẽ không có đủ tiền để "chạy theo" sạt lở bằng cách này.
Khi dòng sông chọn nơi nào để gây sạt lở thì nơi đó là hợp lý nhất đối với dòng sông để cân bằng động lực. Khi dòng sông gây sạt lở ở một nơi, chúng ta dùng công trình để ngăn cản hoặc phục hồi lại như lúc chưa sạt lở, thì chúng ta đang "cãi nhau" với dòng sông. Khi đó, dòng sông sẽ tiếp tục tấn công vào công trình gây hư hỏng và nếu công trình quá kiên cố (và rất đắt tiền) thì dòng sông sẽ tấn công nơi khác để tự tìm cân bằng.
Không phải nơi nào cũng có thể làm công trình vì có những nơi càng làm công trình càng sụp đổ. Hơn nữa, công trình nào cũng có tuổi thọ, không có công trình nào là vĩnh cửu cả. Khi xây công trình thì phải tính tới việc dành ra kinh phí cho duy tu bảo dưỡng về sau, chứ không chỉ có tiền xây bây giờ rồi thôi. Chi phí duy tu bảo dưỡng sẽ tăng theo thời gian. "Càng có nhiều công trình thì gánh nặng ngân sách trong tương lai sẽ càng tăng. Do đó, biện pháp công trình chỉ nên được thực hiện ở những nơi thật sự xung yếu, như đô thị, khu đông dân cư, nơi có cơ hạ tầng quan trọng chưa thể di dời. Không nên làm công trình tràn lan", chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho biết.
Biện pháp mềm như trồng bần ven sông thì rất phù hợp sinh thái, chi phí thấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu hụt bùn cát, toàn bộ đáy sông kênh rạch ĐBSCL đều bị sâu hơn trước đây thì việc trồng bần và các biện pháp mềm khác cũng chỉ khả thi ở những nơi còn bồi hoặc ít sạt lở. Những nơi sạt lở mạnh thì biện pháp này cũng không còn làm được nữa.
Do đó, trong tình hình này cần ưu tiên 2 việc là di dời, tái định cư ổn định sinh kế cho người dân và việc cảnh báo sớm trước khi sạt lở xảy ra để người dân kịp di tản.
Tái định cư sớm sẽ đỡ thiệt hại hơn sau khi sạt lở đã xảy ra. Tái định cư cần phải đi kèm việc ổn định sinh kế cho người dân. Đây là một thách thức lớn với cả người dân và chính quyền vì người dân khó tìm sinh kế ở nơi mới còn chính quyền thì thiếu quỹ đất và kinh phí cho tái định cư. "Biết là khó, nhưng biện pháp này vẫn cần được ưu tiên. Càng thiếu kinh phí thì càng phải giảm đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào những công trình chống sạt lở kém hiệu quả để ưu tiên cho việc này", chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nhận định.
Việc thứ hai là cảnh báo sớm. Còn nhiều những vụ sạt lở xảy ra bất ngờ, khi mà chân bờ sông đã rỗng mà người dân sống ở trên không hề hay biết cho đến khi toàn bộ khối đất trượt xuống sông, kéo theo nhà cửa, tài sản.
Sạt lở bờ sông ĐBSCL thường xảy ra từ giữa đến cuối mùa khô vì khi đó mực nước sông thấp nhất, tức là lúc bờ cao nhất, nặng nhất. Dòng nước đã âm thầm mài mòn chân bờ, có thể chưa sụp đổ ngay, nhưng trải qua một mùa khô dài thì bờ sông bị "mỏi" không còn chịu được nữa thì sẽ "buông" làm cho khối đất ở trên trượt xuống.
Với đặc điểm sạt lở bờ sông ĐBSCL là chân bờ bên dưới bị rỗng, hay gọi là "hàm ếch" bên dưới bờ sông, thì việc cảnh báo sớm để người dân kịp di dời chính là tìm và phát hiện kịp thời những "hàm ếch" mới hình thành trong tuần, trong tháng để thông báo cho người dân. Việc này không khó, không tốn kém với những thiết bị siêu âm quét lòng sông tại những đoạn sông có nguy cơ cao vào những tháng từ giữa đến cuối mùa khô.
Thu Cúc