Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nếu tốc độ xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn như hiện nay, trong 3 năm tới, nền nông nghiệp ở ĐBSCL có thể sẽ bị kiệt quệ. Ảnh minh họa - Báo Tuổi trẻ. |
Đến trung tuần tháng 3, toàn bộ 13/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đã bị nước mặn xâm nhập, trong đó có nhiều tỉnh bị mặn xâm nhập nặng nề như Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang...
Riêng tại tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh chỉ còn 4 xã tại địa bàn huyện Chợ Lách là chưa bị nước mặn xâm nhập.
Mức độ xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL vào sâu khu vực nội đồng dao động ở mức 40-60 km, với tỉ lệ độ mặn từ 1-3 phần nghìn, có nơi lên đến 5-6 phần nghìn và dự báo sẽ còn tăng cao, kéo dài cho đến tháng 5.
Thành phố Cần Thơ trước đây chưa bao giờ bị xâm nhập mặn, thì từ đầu tháng 3 đến nay, nước mặn đã xâm nhập đến quận Cái Răng, với độ mặn dao động từ 1-2 phần nghìn.
Tại Cái Răng (Cần Thơ), theo quy định, các nhà máy xử lý nước sinh hoạt sẽ không được lấy nước để xử lý, vì nước mặn đã vượt mức quy chuẩn dưới 0,75 phần nghìn.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện nay và dự báo trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước ngọt tưới cho sản xuất nông nghiệp lớn; đồng thời lượng bốc hơi cao, nước ngọt hao phí tự nhiên lớn.
Do các yếu tố trên, kết hợp với những ngày triều cường, gió chướng mạnh, nên xâm nhập mặn tại ĐBSCL đã, đang và sẽ diễn ra nhiều bất lợi cho sản xuất và nguồn nước phục vụ sinh hoạt.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, một số khu vực tại ĐBSCL từ nay đến tháng 5 khi có gió chướng cấp 5-6 trở lên độ mặn sẽ tăng cao. Nếu tháng 5 có mưa tại ĐBSCL và lưu vực sông Mekong thì độ mặn sẽ giảm nhiều so với dự báo.
Nền nông nghiệp ĐBSCL sẽ co hẹp
Hơn 8.500 hộ dân tại Tây Nguyên thiếu nước sinh hoạt Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 8.500 gia đình thiếu nước sinh hoạt, trong đó tập trung ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng. Hiện, toàn tỉnh Đắk Lắk có trên 6.000 gia đình đồng bào các dân tộc ở các huyện Krông Ana, Ea H'leo, Krông Búk, Buôn Đôn, Cư M'gar sử dụng các giếng đào và một số công trình cấp nước tập trung từ giếng khoan. Nguồn nước ngầm cũng đã giảm nhanh, cạn kiệt nên tỉnh Đắk Lắk đã cắt nước luân phiên theo từng khu vực. |
Tại Hội thảo giải pháp phòng, chống hạn, mặn cho cây trồng và vật nuôi vùng ĐBSCL do ĐH Cần Thơ tổ chức ngày 14/3, PGS.TS. Đỗ Võ Anh Khoa, Trưởng Bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) cho biết, nếu tốc độ xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn như hiện nay, trong 3 năm tới, nền nông nghiệp ở ĐBSCL có thể sẽ bị kiệt quệ; đất nông nghiệp, lương thực trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn.
Cũng theo ông Khoa, ĐBSCL sẽ giảm bớt diện tích nông nghiệp, giảm diện tích đất trồng cỏ cho gia súc, giảm phát triển chăn nuôi gia súc; đồng thời sẽ tăng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Nền nông nghiệp ĐBSCL sẽ co hẹp đáng kể.
Còn theo GS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, ĐBSCL đang bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn. Sự ảnh hưởng của hạn, mặn đang ngày một hiện hữu, rõ nét với khu vực này và đang có những tác động lớn đến nông nghiệp cũng như đời sống người dân nơi đây.
Trước tình hình hạn hán và ngập mặn nghiêm trọng tại ĐBSCL, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra và thực hiện nhiều giải pháp ứng cứu trước mắt cũng như lâu dài.
Nhiều hội thảo và tọa đàm cũng đã được tổ chức nhằm cung cấp, trao đổi các thông tin, báo cáo khoa học xoay quanh vấn đề hạn, mặn đang diễn ra khốc liệt, cũng như thích nghi với tình trạng này tại ĐBSCL, mà hội thảo được tổ chức ngày 14/3 tại Cần Thơ là một ví dụ.
Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhiều doanh nghiệp khu vực ĐBSCL lần này còn nhằm đi đến tiếng nói chung, thống nhất góp phần giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn gây ra, cũng như ứng phó với nó một cách hiệu quả nhất.
Các ý kiến của các đại biểu tập trung vào đánh giá tình hình hạn mặn; biện pháp hạn chế ngộ độc mặn cho cây trồng; biện pháp phòng, chống và cải tạo đất bị xâm nhập mặn; ảnh hưởng của xâm nhập mặn lên hệ thống chăn nuôi ở ĐBSCL; ảnh hưởng của tưới nước mặn đến sinh trưởng cây lúa; giống lúa chống chịu mặn ở ĐBSCL.
Thủy điện Trị An xả nước cầm chừng đẩy mặn vùng hạ du sông Đồng Nai Công ty Thủy điện Trị An cho biết, hồ Trị An đang duy trì lưu lượng xả nước từ 100-130 m3/s để tham gia đẩy mặn cho vùng hạ du sông Đồng Nai. Với lưu lượng xả nước qua turbine như hiện nay, mặn cũng chỉ được đẩy lùi một phần ở một số vùng cao hơn như TP. Biên Hoà, huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Sở dĩ lưu lượng xả nước chỉ ở mức trung bình vì mùa mưa 2015 hồ thuỷ điện Trị An không tích đủ cao trình. Công ty Thuỷ điện Trị An nếu tích đủ nước hồ có thể chứa 2,7 tỉ m3 nước, bảo đảm sản xuất 1,7 tỉ kWh điện/năm. Theo số liệu quan trắc của Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam bộ, thời điểm ngày 10/3, mực nước hồ Trị An đạt 58,19 m; trong khi lưu lượng nước về hồ chỉ đạt 34m3/s, nên Công ty Thuỷ điện Trị An chỉ duy trì lượng nước xả qua tua bin ở mức 129 m3/s. |