• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Xây dựng 2 trung tâm trọng điểm quốc gia đào tạo cán bộ pháp lý

Chiều 30/01, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã có buổi làm việc với Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh về kế hoạch xây dựng 2 trường đại học nói trên thành 2 trung tâm trọng điểm quốc gia về đào tạo cán bộ pháp lý.

31/01/2012 12:24

Các đồng chí: Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; bà Lê Thị Thu Ba, Phó Chánh Văn phòng Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tham dự buổi làm việc này.

Theo ông Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, qua hơn 32 năm xây dựng và phát triển, đến nay nhà trường đã đạo tạo được hơn 80.000 cán bộ pháp lý, trong đó hơn 70.000 người đạt trình độ Cử nhân. Trường cũng là cơ sở dẫn đầu cả nước về quy mô và chất lượng đào tạo trong lĩnh vực này. Hiện nay, hơn 60% cán bộ tư pháp trong cả nước do Đại học Luật Hà Nội đào tạo. Trường cũng đã đặt quan hệ hợp tác với hơn 20 cơ sở đào tạo luật nước ngoài với nhiều chương trình hợp tác đang triển khai có hiệu quả.

Mục tiêu của nhà trường đến năm 2015 được công nhận là trường trọng điểm quốc gia về chất lượng và quy mô đào tạo; đến năm 2020 được xếp hạng trong khu vực về năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và tư vấn pháp luật.

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh mới qua 15 năm hoạt động nhưng cũng đạt được nhiều thành tựu trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS Mai Hồng Quỳ cho biết, đến nay trường đã đào tạo khoảng 28.000 sinh viên hệ vừa học vừa làm, 12.000 sinh viên chính quy theo 3 ngành đào tạo, 6 chuyên ngành, 5 khoa chuyên ngành Luật ở tất cả các bậc từ Cử nhân đến Tiến sỹ.

Kết quả đào tạo cho thấy, sinh viên tốt nghiệp năm 2010 có việc làm là 97,23%, còn năm 2011 con số này là 73%.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần tập trung quản lý và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo trình độ đại học luật tại 2 trường, đáp ứng được yêu cầu quản lý, phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Do đó, các trường phải chủ động mạnh mẽ trong quy hoạch, xây dựng, phát triển nhà trường về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất một cách bài bản, tương xứng với vai trò, vị trí của mình.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác giáo dục, đào tạo chuyên môn phải gắn liền với giáo dục đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp và yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống đặt ra. Bên cạnh đó, cần khắc phục ngay những bất cập, yếu kém trong công tác đào tạo luật tại 22 cơ sở đào tạo hiện nay nói chung và của 2 trường đại học nói riêng, nhất là việc đào tạo tại chức, liên kết…

Bà Lê Thị Thu Ba cũng đã chỉ ra những nhược điểm mà công tác đào tạo cần khắc phục là phải gắn kết đào tạo với thực tiễn. Bên cạnh đó, bà Lê Thị Thu Ba cũng cho rằng cơ sở vật chất của cả 32 cơ sở đào tạo chưa xứng tầm với nhiệm vụ được giao… Vì vậy, 2 trường Đại học Luật cần được đầu tư hơn nữa.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, 2 trường hiện chưa sử dụng hết tiềm năng của mình, nhất là trong việc “học đi đôi với hành”. Do đó, cần có sự liên kết đào tạo, thực tập, nghiên cứu khoa học với các bộ ngành chức năng như Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… để nâng cao chất lượng đào tạo.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đã xác định xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm quốc gia về đào tạo cán bộ pháp lý của Việt Nam, với chất lượng và uy tín cao trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học pháp lý, góp phần thực hiện công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra với 2 trường là rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực cao của tập thể nhà trường, các sinh viên, học viên, sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành để nhà trường hiện thực hóa được nhiệm vụ nặng nề trên.

Yêu cầu lớn nhất hiện nay là khẩn trương hoàn chỉnh đề án xây dựng 2 trường thành 2 trung tâm trọng điểm quốc gia về đào tạo cán bộ pháp lý trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu thời gian trước mắt, 2 trường cần đào tạo, rèn luyện để nguồn cán bộ của khối các cơ quan tư pháp nước ta bảo đảm được chất lượng, năng lực và phẩm chất, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hiện nay. Công tác đào tạo phải kết hợp tốt giữa kiến thức chuyên môn và thực tiễn. Do vậy, thầy giáo của các trường phải có lý luận giỏi, thực tiễn hay, phẩm chất tốt. Bên cạnh đó, không được thương mại hóa và chạy theo số lượng đào tạo, làm giảm chất lượng đào tạo và lòng tin của nhân dân.

Nguồn Chinhphu.vn