Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhìn nhận được hiệu quả của việc trồng rừng từ những chính sách thúc đẩy trồng rừng Trung ương đã ban hành, nhiều địa phương xác định phát triển lâm nghiệp bền vững là một trong những nhiệm vụ chiến lược.
Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đang thực hiện hành trình chuyển đổi kinh tế từ "nâu" sang "xanh". Quảng Ninh có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 435 nghìn ha, chiếm hơn 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó có 370 nghìn ha đất có rừng, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Rừng của Quảng Ninh có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chiến lược an ninh nguồn nước, cân bằng hài hòa sự phát triển của địa phương.
Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho biết, theo kế hoạch giai đoạn 2022-2025, Quảng Ninh thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng năng suất rừng trồng từ 10m3/ha hiện nay lên 15m3/ha; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân khoảng 400.000m3/năm; sản lượng nhựa thông từ 2.500 tấn lên 3 nghìn tấn/năm; sản lượng các lâm sản ngoài gỗ và dược liệu từ 3.500 tấn lên 4.000 tấn/năm. Phát triển để thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm.
Không có nhiều lợi thế kinh tế như tỉnh Quảng Ninh, nhưng tỉnh Bắc Kạn - địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước cũng đang dồn động lực chính sách để phát triển tiềm năng rất lớn về phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Bắc Kạn có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 417.538 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên có 272.789 ha, diện tích rừng trồng 100.291 ha. Với độ che phủ rừng đến năm 2021 đạt 73,4%, công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng.
Cuối năm 2020, UBND tỉnh quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035 (Đề án). Trong đó, Đề án xác định phát triển trồng rừng và chế biến gỗ từ rừng trồng là sản phẩm chủ lực của địa phương tham gia vào ngành hàng chủ lực của quốc gia theo hướng bền vững và có giá trị gia tăng cao; trồng lại rừng tập trung sau khai thác, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, thâm canh rừng được xác định là mục tiêu chính trong giai đoạn 2020 - 2025 để tạo ra nguồn nguyên liệu đảm bảo về số lượng và chất lượng, cung cấp nguyên liệu chế biến làm hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là đột phá.
Theo kế hoạch, năm 2023, tỉnh Bắc Kạn trồng mới hơn 4 nghìn ha rừng, trong đó trồng rừng tập trung hơn 3.000 ha, còn lại là trồng rừng phân tán. Để phục vụ trồng rừng, các vườn ươm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã sản xuất được trên 11,3 triệu cây giống các loại. Chất lượng rừng ngày càng được nâng lên, đến nay, toàn tỉnh đã có 921 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC.
Công tác quản lý khai thác lâm sản thường xuyên được các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm túc. Khối lượng khai thác gỗ rừng trồng ngày càng tăng. Với giá trị trung bình khoảng 120 triệu đồng/ha, thu nhập của người trồng rừng đang được nâng cao.
Bình Định là một trong những tỉnh có nghề trồng rừng phát triển mạnh trong khu vực miền Trung. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 124.871ha rừng trồng, 73.284 ha rừng quy hoạch chức năng sản xuất; trong đó, rừng trồng keo chiếm trên 80%. Diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng sản xuất không ngừng tăng, mỗi năm khai thác, trồng lại khoảng 8 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn/năm.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ người Kinh thuộc diện hộ nghèo, đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thuộc khu vực II và khu vực III theo quy định của Chính phủ, có nhu cầu hỗ trợ để trồng rừng trên diện tích đất chưa có rừng đã được quy hoạch phát triển rừng sản xuất, định mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/ha.
Đây là cách để Bình Định nâng cao diện tích rừng trồng trên địa bàn, đồng thời tạo điều kiện để những hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ người Kinh thuộc diện nghèo sống cạnh rừng ở những xã thuộc khu vực II, khu vực III có thêm thu nhập từ rừng, cải thiện cuộc sống.
Từ những chính sách và hiệu quả nhìn thấy được từ việc trồng rừng, người dân và doanh nghiệp tại các địa phương cũng đang quan tâm và có động lực sản xuất rừng bền vững hơn.
Tại Quảng Ninh, năng suất rừng trồng, sản lượng khai thác gỗ bình quân hiện nay đạt trên 60m3/ha, tăng gần 20% so với giai đoạn 2018-2019. Có thể thấy, giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích có dấu hiệu tăng, năng suất rừng trồng dần được cải thiện.
Không chỉ người dân đã chuyên tâm hơn với việc trồng rừng mà doanh nghiệp cũng đã thấy được tiềm năng phát triển lâm sản ở địa phương này. Hiện toàn tỉnh có 336 cơ sở chế biến lâm sản. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ mới, hiện đại, nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến, hạn chế các sản phẩm thô, băm dăm, ván bóc và sản phẩm chế biến sơ.
UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích rừng trồng gỗ lớn tập trung đạt 10 nghìn ha, đến năm 2035 đạt 30 nghìn ha. Đề án đã thu hút được doanh nghiệp chung tay với công tác trồng rừng. Hiện nay có ba Công ty lâm nghiệp đang triển khai trồng rừng gỗ lớn gồm: Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn. Tổng diện tích UBND tỉnh Bình Định phê duyệt cho các doanh nghiệp này theo Đề án phát triển cây gỗ lớn gần 4.200 ha, trong đó có rừng trồng mới, rừng trồng lại sau khai thác và rừng chuyển hóa.
Tại tỉnh Bình Định, phát triển lâm nghiệp được xác định sẽ trở thành ngành kinh tế hiện đại, có sức cạnh tranh cao, hình thành mối liên kết theo chuỗi từ phát triển, bảo vệ, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản.
Tại tỉnh Bắc Kạn ngoài sản phẩm gỗ, với hơn 273.329 ha rừng tự nhiên, việc sử dụng lâm sản ngoài gỗ đã gắn liền với đời sống của các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng trong sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn miền núi. Lâm sản ngoài gỗ trở thành nguyên liệu cung cấp cho sản xuất hàng hóa nội địa cũng như xuất khẩu rất đa dạng, bao gồm thực phẩm, dược phẩm, tinh dầu, hàng thủ công mỹ nghệ… Hiện nay, diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng ngày càng được nhân rộng, là nguồn thu nhập quan trọng của các tổ chức, hộ gia đình.
Còn tại Quảng Ninh, tận dụng lợi thế sẵn có, các địa phương khu vực miền đông của tỉnh như Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà... đã vận động người dân nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, đổi mới cây giống, chăm sóc rừng, trồng những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, chuyển dần từ phương thức sản xuất quảng canh sang thâm canh.
Bên cạnh đó, người dân đã từng bước chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Thực tế cho thấy, trên cùng một diện tích, chu kỳ trồng rừng gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp 2,5-3 lần so với thực hiện liên tục 2 chu kỳ kinh doanh gỗ nhỏ. Năm 2023, mục tiêu trồng rừng của Quảng Ninh là trồng 1 triệu cây phân tán và 11.640ha trở lên rừng sản xuất, trong đó bao gồm 2.000ha lim, giổi, lát.
Đỗ Hương