Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, việc xây dựng công trình Tượng đài "Thanh niên xung phong tuyến 1C" khu Tây Nam Bộ là cần thiết và có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Cần Thơ xem xét đề xuất của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về việc xây dựng công trình Tượng đài này, trong đó làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như sự phù hợp của công trình Tượng đài "Thanh niên xung phong tuyến 1C" trong quy hoạch tượng đài, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển của thành phố Cần Thơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi tuyến vận tải đường Hồ Chí Minh trên biển bị địch phong tỏa quyết liệt, thì tuyến đường 1C là nơi hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong - trong đó có hơn 75% là nữ - vận chuyển vũ khí, khí tài, làm công tác hậu cần, đưa đón hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ phục vụ cho chiến trường khu Tây Nam Bộ nói riêng và chiến trường miền Nam nói chung trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, mùa hè rực lửa 1972...
Hoạt động này đã góp phần to lớn vào thắng lợi hoàn toàn của Cách mạng Việt Nam vào Mùa Xuân đại thắng năm 1975. Trên tuyến đường này có hơn 600 đồng chí đã anh dũng hy sinh - nhiều nhất tại chiến trường Tây Đô - trọng điểm chỉ đạo của Khu ủy Khu Tây Nam Bộ (nay thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ).
Chủ trương xây dựng tượng đài “Thanh niên xung phong tuyến 1C” Khu Tây Nam Bộ nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn đối với những chiến sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh cho đất nước. Tượng đài sẽ là nơi gặp gỡ truyền thống, có ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho tuổi trẻ Nam Bộ nói chung và tuổi trẻ Tây Nam Bộ nói riêng hôm nay...
Phan Hiển