Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp thắc mắc của bà An như sau:
Ngày 26/9/2011, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 25/2011/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xếp lương đối với người tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề làm việc trong các doanh nghiệp.
Khoản 2 Điều 5 Thông tư 25/2011/TT-BLĐTBXH quy định, người tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề làm việc tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần chuyển đổi từ công ty nhà nước theo Luật Doanh nghiệp và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác hiện đang vận dụng hệ thống thang lương, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP thì được xếp lương theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Thông tư này.
Việc xếp lương đối với người tốt nghiệp cao đẳng nghề được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 Thông tư số 25/2011/TT-BLĐTBXH đã được sửa đổi theo Điều 1 Thông tư số 20/2012/TT-BLĐTBXH ngày 27/8/2012 như sau:
- Làm công việc của chức danh cán sự, kỹ thuật viên thì xếp vào bậc 2 của chức danh cán sự, kỹ thuật viên theo bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ.
- Làm công việc của chức danh nhân viên văn thư thì xếp vào bậc 3 của chức danh nhân viên văn thư; làm công việc của chức danh nhân viên phục vụ thì xếp vào bậc 4 chức danh nhân viên phục vụ theo bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ.
- Làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành, nhóm ngành cơ khí, điện, điện tử-tin học; xây dựng cơ bản; luyện kim, hóa chất, địa chất, đo đạc cơ bản; khai thác mỏ lộ thiên; khai thác mỏ hầm lò và dầu khí thì xếp vào bậc 4 trong thang lương 7 bậc hoặc thang lương 6 bậc của ngành, nhóm ngành tương ứng. Làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành, nhóm ngành còn lại thì xếp vào bậc 3 trong thang lương 7 bậc hoặc thang lương 6 bậc của ngành, nhóm ngành tương ứng.
- Làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh theo các chức danh của bảng lương công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh có từ 3 bậc trở lên thì xếp vào bậc 2 của chức danh thuộc bảng lương tương ứng.
- Làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh theo các chức danh của bảng lương công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh có 2 bậc thì xếp vào bậc 1 của chức danh thuộc bảng lương tương ứng.
Về các vấn đề bà Cao Thị An hỏi, trường hợp người lao động có trình độ cao đẳng được xếp lương vào bậc 2 của chức danh cán sự, kỹ thuật viên tại Bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP, khi được nâng lương đến bậc 12/12 thì hưởng lương bậc đó cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc đến khi nghỉ hưu, không có quy định được nâng lên thang lương của chức danh chuyên viên, kinh tế viên, kỹ sư.
Với trường hợp người tốt nghiệp cao đẳng kỹ thuật xếp lương kỹ sư năm 1986 thì năm 1986, chế độ chế độ tiền lương của công nhân, viên chức trong các doanh nghiệp nhà nước được quy định tại Nghị định số 235/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Giai đoạn này, số lượng trường cao đẳng kỹ thuật và người được đào tạo cao đẳng kỹ thuật ở nước ta không nhiều. Lúc đó người tốt nghiệp cao đẳng kỹ thuật được gọi là “kỹ sư thực hành”. Do không có quy định về việc xếp lương cho đối tượng này, cho nên lúc đó người tốt nghiệp cao đẳng kỹ thuật và người tốt nghiệp đại học kỹ thuật được tuyển dụng làm công tác chuyên môn nghiệp vụ tại các công ty, xí nghiệp đều được xếp cùng thang lương kỹ sư.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin, bài liên quan:
>> Về việc xếp lương theo bằng cấp
>> Chuyển, xếp lương tại doanh nghiệp chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp
>> Xếp lương đối với hệ cao đẳng