Hệ thống bioga của nhà máy.
Vấn đề ô nhiễm môi trường tại Công ty liên doanh tinh bột sắn Kon Tum (nay là Công ty TNHH tinh bột sắn Kon Tum) đã trở thành “bài ca muôn thuở” trong các văn bản kiến nghị của người dân xã Sa Bình tại các buổi tiếp xúc cử tri của các Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND… từ nhiều năm nay. Nhưng cho dù đã tốn rất nhiều giấy mực để phản ánh vấn đề này, tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải của nhà máy vẫn không được cải thiện.
Thế rồi, sự việc trên có chiều hướng tích cực khi mà có sự “thay ngôi, đổi chủ” từ Công ty liên doanh với người nước ngoài sang Công ty TNHH tinh bột sắn Kon Tum chính thức bàn giao từ ngày 1/1/2011 với cổ phần 100% vốn trong tỉnh. Hệ quả từ việc làm ăn trì trệ của những người lãnh đạo tiền nhiệm là để lại một khoản nợ kết xù trước thời điểm 15/10/2010 là 1,4 tỷ đồng tiền nợ lương công nhân trong 5 tháng; nợ thuế trên 3 tỷ đồng tiền gốc với 320 triệu đồng tiền phạt; nợ ngân hàng trên 4,5 tỷ đồng; 1 năm tiền bảo hiểm xã hội của công nhân với 740 triệu đồng; trên 630 triệu đồng tiền “treo” mua men xử lý nước thải cùng với 4,8 tỷ đồng hệ chi phí cho hệ thống xử lý nước thải chưa được nghiệm thu (tính vào tài sản cố định của công ty)… và bị 4 ngân hàng trong tỉnh phong tỏa tài sản.
Đứng trước tình hình đó, lãnh đạo công ty (mới) đã nỗ lực hết mình giải quyết nợ tồn đọng, trả nợ lương công nhân, quyết toán nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải, “giải tỏa” sự phong bế của ngân hàng… mà những người tiền nhiệm trước đây đã để lại. Bên cạnh đó, công ty còn tăng cường kinh phí, từ 4 tỷ đồng lên hơn 6 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục để hoàn tất quy trình xử lý nước thải tại công ty.
Hệ thống xử lý sục khí nước thải.
Trước đây, hệ thống xử lý nước thải của công ty liên doanh được thiết kế và thi công theo giải trình kinh tế kỹ thuật và báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hệ thống xử lý nước thải được áp dụng theo kiểu tự phân hủy theo nguyên lý kỵ khí và yếm khí. Nước thải sau sản xuất được dẫn về chứa ở hồ số1, tự phân hủy một phần chất hữu cơ và chảy ra hồ số 2, sau lắng đọng ở các hồ số 2, số 3, số 4 và số 5 đã có và thải ra sông. Tính đến tháng 10/2009 qua thời gian hơn 4 năm đưa vào sử dụng, lượng nước thải tăng lên nhiều, mức độ thẩm thấu, bốc hơi chậm, mẫu nước tại hồ số 5 chưa đạt tiêu chuẩn cột B nên không thể xin cấp phép xả thải. Riêng hồ số 6 cũ bỏ không, còn lại cả 5 hồ chứa đã đầy và đang có nguy cơ tràn ra bên ngoài, ảnh hưởng đến môi trường, xã hội; lúc này nhà máy lại đang bị ngừng hoạt động theo thông báo của UBND tỉnh Kon Tum.
Theo cam kết xử lý môi trường của các bên tham gia liên doanh trước Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Sở Tài nguyên môi trường và sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng quản trị, công ty đã gấp rút triển khai xây dựng hệ thống Biogas, đào tiếp hồ xử lý hóa chất số 6 và 2 hồ sinh học số 7, số 8 theo công nghệ của ENTEC, cải tạo hồ số 4 thành hồ sục khí theo công nghệ của Khoáng Việt; đào tiếp hồ số 9 ( hồ đối chứng trước khi xả thải); đồng thời trồng cây xanh thanh lọc không khí ở khu vực hồ số 5, số 6, số 7, số 8 và các khu đất trống.
Việc xây dựng thêm 5 hồ xử lý và nâng cấp hồ số 2, số 4 đã tăng thêm dung tích chứa 120.000 m 3 , phục vụ cho quá trình lắng đọng, phân hủy chất hữu cơ trong khi chưa được cấp phép xả thải, đảm bảo cho nhà máy hoạt động đến cuối tháng 3 năm 2011.
Do hệ thống Biogas hiện nay vẫn chưa được vận hành, đã ảnh hưởng rất nhiều đến khí thải và nước thải; mùi hôi vẫn chưa được xử lý một cách cơ bản. Để tăng chất lượng khí ga, sớm đưa hệ thống Biogas vào vận hành, công ty đã tiến hành các giải pháp như: Hợp đồng với DNTN sinh hóa Phương Toàn (đơn vị đã xử lý nước thải cho công ty liên doanh năm 2006-2008) xử lý lại hồ số 1 bằng rỉ mật, xút NaOH… khi độ PH trong hồ tăng lên sẽ tiếp tục dùng men Biological yếm khí để tăng lượng khí ga.
Các hồ từ số 2 đến số 7 dùng men Biological hiếu khí xử lý để giảm mùi hôi, khi mùi hôi trở về đúng với tiêu chuẩn nước thải loại B, nước thải chuyển sang màu đen để chuyển sang hồ sinh học số 8.
Lợi dụng địa hình hồ số 6 cũ (hiện nay đang bỏ không) ba mặt là gò đồi, đắp cao mặt đập cũ thêm 5 m, cải tạo thành hồ sục khí, tạo thuận lợi cho quá trình phân hủy chất hữu cơ, lắp ống thoát khí đưa mùi hôi lên cao khỏi tầng sương, như vậy sẽ giải quyết được mùi hôi một cách cơ bản. Đồng thời sử dụng hết công suất của các hồ chứa. Do yêu cầu cấp bách xử lý môi trường theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Giá trị gói thầu nhỏ đơn vị tự tổ chức thi công và cử cán bộ giám sát, đã tiết kiệm được 1,54 tỷ đồng so với hình thức đấu thầu được tổ chức trước đó.
Tại công văn số 219/UBND-KTN ngày 18/2/2011 của UBND tỉnh đã cho phép Công ty TNHH tinh bột sắn Kon Tum được phép gia hạn thời gian hoàn thành các công trình xử lý môi trường của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Sa Bình theo đúng quy định đến 31/3/2011. Nhưng theo bà Phạm Thị Duyên, Giám đốc Công ty cho biết thì trong thời gian sắp tới, Công ty sẽ tiếp tục xin gia hạn đến cuối tháng 5/2011 sẽ hoàn tất các quy trình khép kín xử lý nước thải và sẽ cho xả nước thải. Bởi lẽ, hiện tại còn vướng mắc từ phía lắp đặt hệ thống bioga vì “đầu đốt” chưa đảm bảo các yếu tố kỹ thuật từ phía nhà thầu.
Bà Phạm Thị Duyên khẳng định: “ Đến cuối tháng 5/2011, nhà máy sẽ hoàn chỉnh hệ thống khép kín xử lý nước thải, việc đảm bảo về môi trường sẽ tuyệt đối khi nhà máy hoạt động. Khi hệ thống bioga hoạt động, mỗi tháng sẽ tiết kiệm được trên 1,7 tỷ đồng tiền chất đốt để sấy mì.”