Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đến nay Việt Nam đã và đang tham gia 19 Hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó có 16 hiệp định đã ký kết chính thức và 3 hiệp định đang tiến hành đàm phán. Trong đó có nhiều hiệp định được cho là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều cam kết bắt buộc áp dụng, với nhiều quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) mà chúng ta phải tuân thủ để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, khi tham gia công ước bảo vệ thực vật quốc tế, Việt Nam phải áp dụng quản lý kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với thị trường EU, tất cả các lô hàng phải đáp ứng các yêu cầu sản phẩm không được nằm trong danh mục thực vật, sản phẩm thực vật bị cấm hoặc tạm dừng nhập khẩu vào các nước EU; không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của EU và hầu như không bị nhiễm các loài dịch hại khác; phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; vật liệu đóng gói bằng gỗ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế về vật liệu đóng gói bằng gỗ (ISPM-15).
Hiện nay việc tăng cường kiểm soát vi sinh vật, kiểm soát mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL), kiểm soát thuốc kháng sinh và phụ gia thực phẩm đang được EU áp dụng rất chặt chẽ.
Theo TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN&PTNT, hàng nông sản Việt Nam muốn giữ được thị trường EU thì người sản xuất cần cập nhật và điều chỉnh quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các mức MRL ở mức thấp (0,01 ppm) để đáp ứng được quy định của EU trong thời gian tới.
Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cũng khẳng định, không riêng thị trường EU mà nhiều thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thời gian gần đây đều gia tăng việc thông báo lấy ý kiến các thành viên WTO về việc thay đổi các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS).
"Trung bình, hàng tháng, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được khoảng 100 thông báo dự thảo và thông báo có hiệu lực", ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Ông Nam cho biết thêm: "Mới đây, EU cũng ra các thông báo dự thảo quy định thay đổi MRL đối với 4 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, đó là: Zoxamide, Fenbuconazole, Penconazole và Acetamiprid do EU thông báo ý kiến thành viên WTO, theo đó tùy từng sản phẩm cụ thể, mức MRL có thể tăng hoặc giảm hoặc giữ nguyên. Trong đó, có nhiều mức MRL giảm sâu đối với từng sản phẩm cụ thể. Chi tiết mức độ thay đổi, chúng tôi đã cập nhật trên website của Văn phòng SPS Việt Nam".
Về thời gian lấy ý kiến thành viên WTO là 60 ngày và ngày hết hạn góp ý đối với thông báo cuối cùng là: 12/9/2024. Thời gian EU áp dụng dự kiến từ tháng 2/2025.
Ông Ngô Xuân Nam lưu ý thêm: " Phạm vi áp dụng gồm tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu nông sản thực phẩm vào EU và kể cả nội khối EU, chứ không phải riêng cho Việt Nam như một số thông tin trên mạng xã hội".
Bất kỳ một thay đổi nào về quy định của thị trường EU cũng đều ảnh hưởng đến sản xuất của những đơn vị định hướng xuất khẩu sang thị trường này. Điển hình như việc quy định về MRL, có thể thuận lợi hơn nếu nới lỏng mức MRL hoặc sẽ phải kiểm soát chặt chẽ hơn nếu giảm mức MRL. Chính vì vậy sản xuất nông sản nếu muốn xuất khẩu được sang thị trường này phải bám rất sát các thông tin quy định và áp dụng ngay vào quy trình sản xuất.
Không chỉ sản xuất sản phẩm mà bao bì xuất khẩu cũng đòi hỏi phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra của EU.
Ông Hoàng Công Duy, Chuyên viên Văn phòng Thông báo và hỏi đáp Quốc Gia về Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, bao bì để xuất khẩu các sản phẩm sang EU phải phù hợp về trọng lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và môi trường, ví dụ như làm từ nguyên liệu gỗ hoặc thực vật có thể cần kiểm dịch thực vật. Đồng thời, nhãn sản phẩm đóng gói phải chứa thông tin quan trọng đối với người tiêu dùng.
Sản phẩm đóng gói phải đảm bảo đầy đủ thông tin cho cơ quan hải quan và người tiêu dùng cuối cùng. Hiện tại, sản phẩm đóng gói bán lẻ được phép ghi xuất xứ "ngoài EU". Việc ghi nhãn xuất xứ hiện đang được EC thảo luận và có một đề xuất mới về định nghĩa chính xác hơn về xuất xứ. Đề xuất mới muốn liệt kê rõ ràng quốc gia xuất xứ đối với trái cây và các loại hạt sấy khô hoặc nhiều quốc gia hơn trong trường hợp sản xuất hỗn hợp.
Vùng trồng, vùng nuôi, doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến, hiệp hội, ngành hàng, cơ quan quản lý và địa phương cần tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào.
Những thay đổi của thị trường nhập khẩu là thường xuyên, liên tục, do vậy hàng nông sản Việt Nam muốn giữ được thị trường EU và nhiều thị trường khác thì người sản xuất (cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp) cần chủ động cập nhật thông tin, điều chỉnh quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các MRL.
Vùng trồng, vùng nuôi, doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến, hiệp hội, ngành hàng, cơ quan quản lý và địa phương tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào.
EU là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của nông sản Việt Nam. Đây cũng là một trong những thị trường có nhiều yêu cầu chặt chẽ, khoa học về mặt kỹ thuật. Nếu Việt Nam tuân thủ tốt yêu cầu của thị trường EU sẽ là cơ hội để đưa nông sản Việt Nam vào nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới khi mà Việt Nam đã và đang tham gia tới 19 FTA song phương và đa phương, trong đó có 16 FTA có hiệu lực với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Hiện nay, Văn phòng SPS Việt Nam có những cập nhật và minh bạch thông tin về an toàn thực phẩm (thay đổi mức MRL, quy định về phụ gia thực phẩm…), các quy định về đối tượng kiểm dịch… của tất cả các thị trường để giúp các bên liên quan đáp ứng tốt nhất các quy định này.
Đỗ Hương