• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Ý thức chấp hành pháp luật thống kê đã cải thiện rõ rệt

(Chinhphu.vn) - Sau hơn 1 năm triển khai Luật Thống kê 2015, ý thức về tầm quan trọng của công tác thống kê, số liệu thống kê ngày càng được nâng cao trong các cơ quan, đơn vị các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương và chính quyền cơ sở các cấp. Ý thức của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành cung cấp thông tin điều tra thống kê cũng được cải thiện rõ rệt.

26/10/2017 12:59

Ông Trần Tuấn Hưng, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ Thống kê, Tổng cục Thống kê cho biết, Luật Thống kê 2015 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 23/11/2015 và Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký Lệnh công bố số 17/2015/L-CTN ngày 4/12/2015. Luật Thống kê 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Hoàn thiện thể chế

Sau hơn 1 năm  triển khai, Luật Thống kê 2015 bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trước hết, các văn bản pháp quy đã được xây dựng đúng và sớm so với quy định của Luật như: Nghị định số 94/2016-NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê, Nghị định số 95/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê, Nghị định số 97/2016/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Hiện ngành thống kê đang phối hợp với các Bộ, ngành triển khai xây dựng nghị định về chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để Luật Thống kê đi vào thực tiễn cuộc sống.

Đơn cử như Nghị định số 95/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê, các quy định chi tiết về các hình thức xử phạt rõ ràng, phù hợp với Luật Thống kê 2015. Theo đó, mức phạt tiền áp dụng cho các hành vi vi phạm từ 300 nghìn đến 30 triệu đồng.

Đối với các hành vi vi phạm quy định trong các hoạt động điều tra thống kê, mức phạt tiền áp dụng từ 300 nghìn đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 7 triệu đến 10 triệu đồng đối với các hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc thực hiện điều tra thống kê, khai man hoặc ép buộc người khác khai man thông tin trong điều tra thống kê…

Các hành vi vi phạm quy định về thời hạn báo cáo thống kê, báo cáo tài chính gửi cơ quan thống kê nhà nước theo quy định của pháp luật sẽ áp dụng mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo thống kê, báo cáo tài chính. Đối với hành vi lập báo cáo thống kê không đầy đủ nguồn số liệu trong chế độ báo cáo do cơ quan có thẩm quyền ban hành bị phạt tiền từ 5 triệu đến 7 triệu đồng. Khai man số liệu, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác khai man số liệu trong báo cáo thống kê bị phạt từ 15 triệu đến 20 triệu đồng.

Nghị định này cũng quy định phạt từ 7 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê của các chỉ tiêu thống kê, thông tin thống kê chưa được công bố. Việc trích dẫn không ghi rõ, không đúng nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm cũng bị xử phạt ở mức từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng cơ sở dữ liệu hành chính không vì mục đích thống kê, cung cấp dữ liệu cho bên thứ ba khi không được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Đặc biệt, phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi phổ biến thông tin thống kê sai sự thật; tiết lộ thông tin thống kê trong phiếu, biểu điều tra thống kê, báo cáo thống kê và dữ liệu hành chính, dữ liệu thống kê gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng cá nhân, tổ chức khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức đó.

Hoặc như Nghị định số 97/2016/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Theo đó, nội dung chỉ tiêu thống kê có 186 chỉ tiêu thống kê thuộc 20 nhóm gồm: Đất đai, dân số; Lao động, việc làm và bình đẳng giới; Doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; Đầu tư và xây dựng; Tài khoản quốc gia; Tài chính công; Tiền tệ và bảo hiểm; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp; Thương mại, dịch vụ; Giá cả; Giao thông vận tải; Công nghệ thông tin và truyền thông; Khoa học và công nghệ; Giáo dục; Y tế và chăm sóc sức khỏe; Văn hóa, thể thao và du lịch; Mức sống dân cư; Trật tự, an toàn xã hội và tư pháp; Bảo vệ môi trường.

Nội dung mỗi chỉ tiêu thống kê được chuẩn hóa theo 5 mục: Khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố; nguồn số liệu; cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp...

Ý thức nâng cao rõ rệt

Bên cạnh việc các văn bản pháp quy đã được xây dựng đúng và sớm so với quy định của Luật thì công tác tổ chức quán triệt thực hiện và tuyên truyền, phổ biến Luật Thống kê 2015 đã triển khai rộng rãi tới nhiều đối tượng trong và ngoài ngành thống kê.

Hình thức tuyên truyền Luật cũng được thực hiện đa dạng, phong phú thông qua tổ chức các chương trình tuyên truyền Luật tại các cơ quan Bộ, ngành và Sở, ban ngành ở Trung ương và địa phương, lồng ghép nội dung của Luật vào các cuộc hội thảo, tập huấn nghiệp vụ, hay tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiên thông tin đại chúng…

Nhờ vậy, ý thức về tầm quan trọng của công tác thống kê, số liệu thống kê ngày càng được nâng cao trong các cơ quan, đơn vị các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương và chính quyền cơ sở các cấp. Ý thức của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành cung cấp thông tin điều tra thống kê cũng được cải thiện rõ rệt.

Gần đây nhất là cuộc Tổng điều tra Kinh tế năm 2017 do Tổng cục Thống kê tiến hành, với nhiều chỉ tiêu thống kê phức tạp, một số chỉ tiêu khá nhạy cảm liên quan đến hoạt động kinh tế của tổ chức, cá nhân song các điều tra viên thống kê cũng đã nhận được sự ủng hộ, công tác cung cấp thông tin nhiệt tình.

Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin hành chính

Một kết quả quan trọng khác sau hơn 1 năm triển khai Luật thống kê 2015 đó là, Tổng cục Thống kê và một số Bộ, ngành đã tích cực triển khai các nội dung mới quy định trong Luật như xây dựng quy chế phối hợp chia sẻ thông tin để sử dụng dữ liệu hành chính cho công tác thống kê; xây dựng các văn bản pháp quy cấp Bộ, ngành, xây dựng quy chế thẩm định và thực hiện công tác thẩm định…

Có thể nói, tăng cường sử dụng dữ liệu hành chính cho công tác thống kê là một trong những điểm nhấn ngành thống kê đẩy mạnh triển khai trong thời gian gần đây.

Đã có 17 Bộ, ngành ký quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin với ngành Thống kê, như quy chế giữa Tổng cục Thống kê với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Thuế…

Đặc biệt, việc chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Thuế và sự phối hợp với các cơ quan thuế tại các địa phương đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho ngành Thống kê trong triển khai rà soát doanh nghiệp nhằm phục vụ Tổng điều tra Kinh tế năm 2017.

Nếu công tác quản lý cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành được hoàn thiện và việc chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành và Tổng cục Thống kê được thực hiện đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng thì chắc chắn sẽ bớt được gánh nặng chi phí triển khai các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê; chất lượng thông tin thống kê cũng sẽ được nâng cao; và điều đáng chú ý nữa là việc cơ sở dữ liệu thống kê của ngành Thống kê, cũng như các Bộ, ngành được nâng cấp, hoàn thiện sẽ là căn cứ quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử.

Những bất cập cần khắc phục

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, vẫn còn những bất cập, thách thức không hề nhỏ trong thực hiện công tác thống kê. Trong đó, bất cập lớn nhất đó là sự quan tâm của một số Bộ, ngành, địa phương về công tác thống kê nói chung và Luật Thống kê nói riêng còn chưa đầy đủ, tương xứng với tinh thần đổi mới của Luật Thống kê, thể hiện ở 3 điểm sau đây:

Một là, một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa triển khai tới các cán bộ, công chức trong Bộ, ngành, địa phương về Luật thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hai là, tổ chức thống kê một số Bộ, ngành còn chưa được thành lập theo tinh thần của Nghị định 85/2017/NĐ-CP ngày 19/7/2017 về Tổ chức thống kê Bộ, ngành.

Ba là, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng văn bản pháp quy về thống kê còn chậm trễ, mang tính hình thức trong khi khối lượng công việc lớn, quan trọng, đòi hỏi tiến độ cũng như thống nhất cao về chuyên môn nghiệp vụ.

Có thể thấy rõ, những hạn chế này không thể khắc phục một sớm, một chiều và công tác thống kê nói chung cũng như Luật Thống kê nói riêng không thể thành công và đi vào thực tiễn cuộc sống nếu không có sự chung tay góp sức của những người làm công tác thống kê chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp hay sự ủng hộ của cộng đồng toàn xã hội./.