• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Bài cuối: Mệnh lệnh từ trái tim

(Chinhphu.vn) - Để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, trước mắt cần gấp rút tăng cường đội ngũ y, bác sĩ; đồng thời ngành y tế cũng cần có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở.

07/04/2025 08:22
Bài cuối: Mệnh lệnh từ trái tim- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, ngay trong năm 2025, ngành y tế phải đưa thêm 1.000 bác sĩ về cơ sở - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Đưa 1.000 bác sĩ về cơ sở trong năm 2025

Ngày 25/3, Thường trực Chính phủ và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã có cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế về các dự thảo đề án quan trọng chuẩn bị trình Bộ Chính trị, trong đó có đề án xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2030.

Sau khi nghe Bộ Y tế báo cáo đề án, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo bổ sung nội hàm về chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân với các mục tiêu cụ thể. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu, ngay trong năm nay, ngành y tế phải đưa thêm 1.000 bác sĩ về cơ sở.

Đây không chỉ là chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim; là lời kêu gọi đội ngũ y, bác sĩ xung phong đến những địa bàn còn khó khăn, vì sức khoẻ của nhân dân. 

Trên thực tế, hiệu quả của việc tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng về cơ sở đã được chứng minh từ dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)", được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 585/QĐ-TTg, ngày 20/2/2013 (Dự án 585). 

Bài cuối: Mệnh lệnh từ trái tim- Ảnh 2.

Dự án 585 cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn - Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Bộ Y tế, thực hiện giai đoạn I của Dự án 585, ngành y tế đã bàn giao 402 bác sĩ chuyên khoa I cho 94 huyện khó khăn, biên giới thuộc 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Đội ngũ bác sĩ được đào tạo theo Dự án 585 đã phát huy năng lực tại cơ sở, đã cứu chữa rất nhiều người bệnh ở vùng khó khăn, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Thực tế đã khẳng định, Dự án 585 đã cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn; tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Với hiệu quả đó, việc thí điểm đưa bác sĩ trẻ về vùng khó khăn đã chính thức được Quốc hội khóa XV đưa vào Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29/11/2023. Trong nghị quyết, đối với lĩnh vực y tế, Quốc hội quyết nghị tiếp tục thực hiện các dự án, đề án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đây là một giải pháp để tăng cường công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên cả nước.

Việc tiếp tục thực hiện Dự án 585 và tăng cường y, bác sĩ về cơ sở ngay trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là vấn đề cấp bách. Bởi hiện nay, đội ngũ y tế cơ sở, đặc biệt là nguồn nhân lực tại các trạm y tế (TYT) đang thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa; thách thức này càng lớn hơn trong bối cảnh công tác sáp nhập đơn vị hành chính đang được triển khai quyết liệt.

Xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ

Những "điểm nghẽn" về nguồn nhân lực tại các TYT xã đã được Bộ Y tế phân tích trong báo cáo tổng kết 10 năm (2014-2024) thực hiện Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 8/12/2014 quy định về y tế xã, phường, thị trấn.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã đề xuất và xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 117. Từ cuối tháng 9/2024, Bộ Y tế đã công bố rộng rãi dự thảo nghị định này để tham vấn ý kiến đóng góp.

Bài cuối: Mệnh lệnh từ trái tim- Ảnh 3.

Y tế cơ sở giữ vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân - Ảnh: VGP

Trong dự thảo tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 117, Bộ Y tế cho biết, hiện TYT xã phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập khi dân số ngày một gia tăng, mô hình bệnh tật thay đổi, tốc độ già hoá tăng nhanh... Bên cạnh đó, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã dẫn tới số lượng TYT xã giảm cũng phần nào ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận của người dân ở các TYT xã khu vực miền núi khi địa bàn xã sau thực hiện sáp nhập trở nên rộng hơn.

Trong khi đó, số lượng bác sĩ ở các TYT xã lại có xu hướng giảm mạnh. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2018-2021, cả nước giảm 2.238 bác sĩ làm việc ở TYT cấp xã; tỉ lệ thôn, bản có nhân viên y tế giảm từ 97,5% năm 2015 xuống 71% năm 2020, trong đó 28% chưa qua đào tạo. Cùng với thiếu vật lực thì việc thiếu y, bác sĩ đã dẫn tới thực trạng, trong tổng số 10.070 TYT xã cả nước chỉ có 38% TYT thực hiện được trên 80% danh mục thuốc và 27,6% TYT thực hiện trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn.

Theo Bộ Y tế, việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 117 là nhằm cụ thế hóa chỉ đạo của Ban Bí thư trong Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy y tế cơ sở, bảo đảm y tế cơ sở giữ vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Chỉ thị số 25-CT/TW cũng nêu rõ, các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản; TYT xã, phường, thị trấn… Hoạt động của TYT xã, phường, thị trấn phải gắn với quản lý toàn diện sức khoẻ cá nhân; quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, dinh dưỡng cộng đồng; thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình y học gia đình; kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại; kết hợp quân y và dân y; gắn với y tế trường học.

Để thực hiện các nhiệm vụ này, một trong những giải pháp được đặt ra là phải tăng cường đội ngũ y, bác sĩ cho y tế cơ sở. Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 117, Bộ Y tế cũng đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn. Nhưng trong bối cảnh tới đây không còn cấp huyện, nhiệm vụ tăng cường y, bác sĩ về cơ sở càng trở nên cấp bách. Vì thế, việc đưa 1.000 y, bác sĩ về cơ sở theo chỉ đạo của Thủ tướng là việc cần phải làm ngay để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Tăng cường y, bác sĩ về cơ sở là việc làm cấp bách. Còn về lâu dài, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi phải xây dựng được nguồn y, bác sĩ tại chỗ cho tuyến y tế cơ sở.

Cùng với các cơ chế, chính sách để thu hút, đãi ngộ, cần tăng cường đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo hình thức cử tuyển, đào tạo bác sĩ là người DTTS, người sinh sống tại địa phương để tạo nguồn nhân lực lâu dài cho y tế cơ sở.

Dự án 585 là một địa chỉ để các địa phương kết nối để xây dựng nguồn nhân lực y tế tại chỗ. Đây là dự án dài hơi tiếp sức cho y tế cơ sở trên cả cả nước. Các địa phương có nhu cầu đào tạo bác sĩ có thể ký hợp tác với các cơ sở đào tạo, kinh phí của người học sẽ do ngân sách địa phương chi trả. Khi kết hợp, địa phương sẽ có nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; học viên cũng có động lực học tập. Đây là hướng đi rất rõ ràng và hiệu quả đối với các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó, để thu hút, duy trì đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, nhất là những người có trình độ đại học trở lên về công tác tại y tế cơ sở thì việc nâng cao chế độ đãi ngộ, trong đó có phụ cấp ưu đãi theo nghề là vấn đề cấp thiết. 

Để giải quyết vấn đề này, hiện Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định quy định một số chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2025, được kỳ vọng sẽ tạo "cú hích" trong việc thu hút y, bác sĩ về công tác ở địa bàn khó khăn. 

Sơn Hào