Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham dự Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại chủ trì, phối hợp với Báo Nhân dân và các cơ quan liên quan tổ chức có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại và các đồng chí lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các vị đại sứ, đại diện sứ quán các nước, tổ chức quốc tế tại Việt Nam…
Các tác phẩm, sản phẩm dự thi có nội dung phong phú, đa dạng
Trong giai đoạn từ tháng 7/2011 đến tháng 7/2022, Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ bằng những kết quả đáng tự hào trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Cùng với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại trong và ngoài nước đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, lịch sử, hệ giá trị Việt Nam, góp phần tranh thủ nguồn lực bên ngoài, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế cho việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2021 và 2022.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chỉ trong vòng 4 tháng phát động giải thưởng (từ tháng 4-8/2022), Ban Tổ chức đã nhận được 1.172 tác phẩm dự thi, tăng 11% so với Giải thưởng lần thứ VII, nhiều nhất trong các kì giải thưởng. Điều này khẳng định uy tín, vị thế của Giải thưởng cũng như cho thấy mức độ quan tâm của các tổ chức, cá nhân đối với Giải thưởng không ngừng nâng cao.
Các tác phẩm dự thi được thể hiện bằng 14 ngữ, gồm: Tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Lào, Khmer, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Kazakhstan, Bồ Đào Nha, Đức. Trong đó, số lượng các tác phẩm tiếng nước ngoài khoảng 200 tác phẩm. Số lượng tác phẩm, sản phẩm của các tác giả người nước ngoài, kiều bào là 70 tác phẩm.
Các tác phẩm, sản phẩm dự thi Giải năm nay có nội dung phong phú, đa dạng, tiếp cận được công nghệ truyền thông hiện đại, có giá trị thông tin đối ngoại, thu hút được sự quan tâm của công chúng trong và ngoài nước, qua đó cho thấy việc triển khai hiệu quả các yêu cầu về đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới.
Về chủ đề, các tác phẩm dự thi đã phản ánh những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại quan trọng của Việt Nam; chủ trương, đường lối của Đảng trên mọi lĩnh vực; dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế; quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người, văn hoá, trí tuệ Việt Nam; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam; ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh; nỗ lực trong phòng, chống và phục hồi sau dịch bệnh…
Đáng chú ý các tác phẩm bằng tiếng nước ngoài, của người nước ngoài cũng góp phần đưa các thành tựu trong phát triển đất nước, nghiên cứu lý luận của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế…
Về các tác giả tham gia dự thi, ngoài các cơ quan truyền thông báo chí chủ lực, các ban, bộ, ngành, địa phương, Giải thưởng lần này thu hút sự tham gia rất sôi nổi của giới trẻ, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, người có ảnh hưởng...
Tại Lễ trao giải, Ban Tổ chức đã quyết định trao giải cho 112 tác phẩm, sản phẩm xuất sắc, gồm: 10 giải Nhất, 21 giải Nhì, 30 giải Ba và 51 giải Khuyến khích, trong đó Báo Điện tử Chính phủ (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) đoạt 1 giải nhất với chùm bài viết trong tác phẩm "Một Việt Nam đầy tự tin và trách nhiệm với các vấn đề cấp bách nhất của thế giới" được thể hiện bằng ngôn ngữ Tiếng Việt của nhóm tác giả: Nguyễn Hồng Sâm (Hồng Sâm), Hà Thế Lực (Hà Văn, Thế Lực), Đặng Thu Cúc (Thu Cúc), Vũ Thùy Dung (Thùy Dung), Vũ Thanh Thúy (Thanh Thúy).
Đồng thời, Hội đồng dành sự tôn vinh đặc biệt cho "Cộng đồng người hâm mộ Việt Nam trong SEA Games 31", lực lượng đã góp phần quan trọng vào thành công của SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam và giới thiệu với thế giới về một Việt Nam tươi đẹp, an toàn, thân thiện, hiếu khách, giàu truyền thống lịch sử văn hóa,..
Triển khai công tác thông tin đối ngoại một cách toàn diện
Phát biểu tại lễ trao giải, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Hội đồng, Ban Tổ chức Giải thưởng và Báo Nhân dân - Cơ quan thường trực của Giải thưởng năm nay; chúc mừng các tác giả đã đạt giải và các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho thành công của Giải thưởng thông tin đối ngoại lần thứ VIII.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định: Thực tiễn phong phú, sinh động của đời sống quốc tế, tình hình chính trị xã hội trong nước và công tác đối ngoại đã trở thành nguồn cảm hứng, thành chất liệu quý giá cho các tác giả trong và ngoài nước không ngừng sáng tạo ra tác phẩm, sản phẩm thông tin đối ngoại xuất sắc, mang theo hơi thở của thời cuộc, đóng góp không nhỏ vào việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tăng cường nhận thức, đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; nâng cao hiệu quả quảng bá, giới thiệu đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra với thế giới.
Thời gian tới, các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Nhận thức sâu sắc về cơ đồ, vị thế, uy tín của đất nước, về bối cảnh của tình hình quốc tế, khu vực, nhận thức rõ "nguy và cơ" để tăng cường hơn nữa hiệu quả việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, quảng bá đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới cộng đồng thế giới.
Triển khai công tác thông tin đối ngoại một cách toàn diện, phối hợp, kết hợp hài hòa, nhịp nhàng giữa các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và trên các lĩnh vực.
Các lực lượng triển khai thông tin cần thể hiện rõ tính "tiên phong", phương châm "đi trước mở đường", đột phá trong chuyển đổi phương thức thông tin đối ngoại thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, tăng cường cung cấp thông tin quốc tế, tri thức tiên tiến, tinh hoa văn hóa nhân loại, những giá trị mang tính phổ quát... một cách có chọn lọc, phù hợp với chủ trương, đường lối, văn hóa Việt Nam.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các thông tin, luận điệu xuyên tạc, vu cáo; làm thất bại âm mưu bôi nhọ, hạ thấp uy tín, hình ảnh của Đảng và Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền./.
Nguyễn Hoàng