Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về tiến độ thực hiện 11 CT, DA trọng điểm, theo báo cáo các sở, ngành, đến thời điểm này, các đầu việc cơ bản đảm bảo kế hoạch đề ra.
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các đầu việc được đưa vào Nghị quyết cần phải quyết tâm thực hiện. Tất cả các chỉ tiêu đều phải làm, thống nhất về nhận thức và cách làm, đốc thúc, tháo gỡ khó khăn, tạo đồng thuận cao để thực hiện.
Đối với nhiệm vụ phát triển đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam yêu cầu cần điểm lại, chọn các DA để thực hiện. Phải nhóm lên các DA có thể thực hiện ngay trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Các DA đô thị sẽ được diễn ra liên tục. Bên cạnh đó, việc tái định cư cho người dân cần phải quan tâm thực hiện. Các địa phương rà soát quỹ đất công để làm khu tái định cư với tinh thần lo cho người dân thật tốt.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ chỉ đạo, đối với nhóm vấn đề phát triển đô thị: Cần phân loại, lựa chọn DA và nhà đầu tư khả thi nhất để xúc tiến thực hiện nhanh theo đúng quy định của pháp luật. Chú ý quản lý quy hoạch tổng thể, các chỉ số xây dựng đúng quy định pháp luật về quy hoạch đô thị để kiên định với quy hoạch tổng thể, đúng pháp luật và có cách làm bền vững. Về thu hồi đất, các DA nào đáp ứng theo quy định thì làm nhanh và làm kỹ, tránh việc lợi dụng chính sách đất đai, vi phạm pháp luật.
Về các CT thủy lợi, DA phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao: Tiếp tục bám sát tiến độ thực hiện các DA thủy lợi, đốc thúc các DA đang triển khai. Chủ động rà soát, gia cố các CT, DA để đảm bảo an ninh thủy lợi, phòng chống hạn mặn. Các DA nuôi tôm công nghệ cao cần làm nhanh đầu tư hệ thống hạ tầng, mời gọi đầu tư công nghệ chế biến tôm tại tỉnh.
Đối với các CT điện gió, cần chú ý quy hoạch tổng thể phát triển điện gió gắn với đề án lấn biển, quy hoạch nguồn điện đi liền với đường truyền tải điện. UBND tỉnh sẽ tổ chức đoàn kiểm tra để rà soát lại DA điện gió, cũng như kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư.
Các DA giao thông: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư; xúc tiến việc đấu thầu, cho phép nhà đầu tư khai thác cát phục vụ các CT, DA; thống nhất hướng tuyến với các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh về đường ven biển để trình các bộ, ngành Trung ương…
Các DA về văn hóa: Cần phối hợp chặt chẽ, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách và Trung tâm Cây giống, hoa kiểng Chợ Lách, làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng thu hút đầu tư, từ đó xác định những nội dung Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp đầu tư để định hình các DA. Không thay đổi mục tiêu về thành lập Trường Đại học Tây Nam Bộ, nhưng cần nghiên cứu, thay đổi cách làm phù hợp.
Đối với thúc đẩy phát triển và thành lập doanh nghiệp: Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, xây dựng những điển hình khởi nghiệp để nhân rộng. Phát triển doanh nghiệp trên cơ sở chuyển hộ kinh doanh lên doanh nghiệp…
Đối với công tác triển khai các CT, DA trọng điểm gắn với giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã có các chỉ đạo cụ thể thực hiện các phần việc, tập trung đẩy nhanh tiến độ, nhất là đối với các DA sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, hoàn tất nhanh chóng thủ tục cho các DA khởi công mới. Công tác kiểm tra các DA đầu tư công trọng điểm, tháo gỡ khó khăn và đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công thường xuyên được tổ chức.
Theo báo cáo, tổng kế hoạch vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước do tỉnh Bến Tre quản lý năm 2022 là hơn 4.617 tỷ đồng. Đến ngày 26/9, giải ngân các nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch là gần 2.092 tỷ đồng, đạt 45,31% so với kế hoạch.
Có 8 đơn vị có tỉ lệ giải ngân trên 70%, 15 đơn vị có tỉ lệ giải ngân trên mức trung bình chung của tỉnh và 6 đơn vị có tỉ lệ giải ngân dưới 30%. Tỉ lệ vốn chưa giải ngân được, trừ nguồn vốn ODA hiện chủ yếu tập trung ở các ban quản lý DA và các huyện, thành phố.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, công tác giải phóng mặt bằng của các DA vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Tiến độ bàn giao mặt bằng chậm so với kế hoạch do vướng các thủ tục trong công tác thu hồi đất. Bên cạnh đó, còn có khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu xây dựng, các phát sinh trong quá trình thực hiện đã làm hạn chế khả năng giải ngân của DA, chậm tiến độ…
Hầu hết các DA ODA đều bị chậm tiến độ. Nguyên nhân là do việc điều chỉnh hiệp định tài trợ, điều chỉnh quy mô đầu tư trong DA, hạn chế từ đơn vị tư vấn thiết kế, cũng như phương pháp làm việc, cách phối hợp…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết, trước những khó khăn, hạn chế, UBND tỉnh có các chỉ đạo, quyết định để điều chỉnh, cũng như hỗ trợ thực hiện các CT, DA.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì về chủ quan vẫn là trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu. Các ban quản lý DA, cũng như các huyện, thành phố cần hết sức tập trung để kéo tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh theo như cam kết.
Để triển khai thực hiện việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Sở KH&ĐT đề xuất 6 nhóm giải pháp.
Theo đó, tập trung đẩy mạnh giải ngân các DA bảo đảm chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ. Kiểm tra từng chủ đầu tư, xem chỉ tiêu giải ngân là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm 2022 và xem xét giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 của đơn vị.
Chỉ đạo các chủ đầu tư lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng, đáp ứng đầy đủ các trình tự, thủ tục thanh toán theo quy định. Chỉ đạo rà soát tất cả các DA thuộc phạm vi quản lý đang gặp vướng mắc để đề xuất, có biện pháp tháo gỡ kịp thời, giải ngân vốn ngay trong năm.
Điều chỉnh, điều chuyển vốn kế hoạch ngay khi có yêu cầu từ đơn vị và cơ quan quản lý vốn. Rà soát điều chỉnh kế hoạch theo tiến độ thực hiện của từng DA trong từng thời điểm tiến độ. Kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Chuẩn bị ngay công tác chuẩn bị đầu tư các DA cho kế hoạch đầu tư công năm 2023, nâng cao tính khả thi của các DA để có thể triển khai ngay từ đầu năm 2023.
Chỉ đạo rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khi chờ thực hiện thủ tục điều chỉnh theo chủ trương của Trung ương dự kiến trong năm 2023. Tổng hợp, xây dựng kế hoạch năm 2023 theo hướng ưu tiên bố trí đủ vốn cho các DA chuyển tiếp, chuyển tiếp hoàn thành, đối ứng vốn, thu hồi tạm ứng và sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các DA trong năm 2023, bảo đảm tính khả thi về thủ tục đầu tư và tỷ lệ giải ngân.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến quản lý vốn đầu tư công để tạo điều kiện thúc đẩy giải ngân; hoàn thành tỉ lệ giải ngân trong kế hoạch năm 2022.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ nhấn mạnh các nhiệm vụ: Các ban quản lý DA và các địa phương cần thực hiện cam kết từ nay đến cuối năm giải ngân 100% đối với nguồn vốn đầu tư ngân sách Nhà nước kể cả Trung ương và địa phương.
Đối với vốn bổ sung chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và 2023 đang triển khai: Cần phối hợp chặt chẽ, xúc tiến các phần việc liên quan, thực hiện đồng thời các hồ sơ để khi có đủ cơ sở pháp lý thì có thể ban hành được ngay, để có thể giải ngân đúng tiến độ năm 2022.
Đối với việc giải ngân nguồn vốn các DA ODA: Cần rà soát những CT, DA, đánh giá khách quan và có trách nhiệm, thực hiện tối đa các phần việc có thể làm được từ nay đến cuối năm 2022. Đối với những DA gặp khó về vấn đề hồ sơ, thủ tục, dẫn đến chậm tiến độ, không còn khả thi trong năm nay thì có văn bản báo cáo các bộ, ngành Trung ương xin dời sang năm 2023, nêu rõ lý do để giảm phần mẫu số DA phải làm trong năm 2022.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đề nghị các ban quản lý DA rà soát và kiểm tra hoạt động của từng nhà thầu được giao thầu để yêu cầu có phương án thực hiện đúng với tiến độ đã cam kết, đúng khối lượng công việc được giao. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị lập kế hoạch trong điều hành công việc, đồng bộ và bám sát kế hoạch để phối hợp công việc nhịp nhàng giữa các đơn vị.
Liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng và giải ngân hỗ trợ người dân tái định cư tại các CT, DA thì các huyện, thành phố, đơn vị liên quan khẩn trương làm các khâu, đề xuất phương án bố trí nguồn vốn, để nhanh chóng giải quyết, chuyển giao cho người dân, nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho quản lý DA.