Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo phản ánh của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, việc cho phép Uber và Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam với nhiều ưu đãi từ chính sách, cũng như không chịu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý, đang đẩy các doanh nghiệp taxi trong nước gặp nhiều khó khăn.
Công ty Vinasun cho rằng, về bản chất, Uber và Grab cũng giống như taxi, là loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách đường ngắn trong nội đô và là loại hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu cho các cá nhân tham gia thông qua phương thức kết nối là phần mềm ứng dụng trên Smartphone. Không có chức năng kinh doanh vận tải nhưng Uber và Grab đã sử dụng các phần mềm tin học ứng dụng để kết nối giữa Công ty kinh doanh - tài xế taxi - người tiêu dùng nhằm kinh doanh vận tải mà không phải xin phép.
Núp dưới danh nghĩa hợp đồng điện tử (là phương thức tính tiền và thanh toán thay đồng hồ tính tiền), Uber và Grab đã né tránh các nghĩa vụ về thuế, phí và hầu như không chịu bất kỳ chi phí phát sinh nào trong khi hoạt động taxi phải đáp ứng tối thiểu 13 điều kiện như kiểm định đồng hồ tính tiền, đầu tư máy in, thiết bị định vị...
Đồng thời, Uber và Grab đã và đang tùy tiện thực hiện các chương trình khuyến mãi tùy tiện, trái luật (không đăng ký, không được bất kỳ sự cho phép nào của cơ quan quản lý), hoạt động cạnh tranh không lành mạnh chiếm lĩnh thị trường; gây rối hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp taxi khác qua hành động kêu gọi các lái xe tham gia sử dụng phương thức kinh doanh của họ mà không cần ký kết với các doanh nghiệp taxi khác.
Trong khi đó, các công ty taxi truyền thống một mặt phải đầu tư phát triển khoa học công nghệ để theo kịp nhu cầu và xu thế phát triển của thời đại, một mặt phải chịu sự ràng buộc chặt chẽ mà luật pháp quy định cho hoạt động vận tải taxi, đảm bảo quyền lợi cho người lao động thông qua nghĩa vụ nộp BHXH, BHYT, BHTN cũng như mức lương tối thiểu tăng hàng năm, chịu trách nhiệm và nghĩa vụ với nhà nước thông qua nghĩa vụ thuế.
- Xếp loại hình hoạt động của Grab, Uber và các công ty tương tự là loại hình kinh doanh vận chuyển hàng khách đường bộ bằng taxi.
- Các xe kinh doanh của Uber và Grab phải chịu sự quản lý, kiểm tra, cấp phép như các công ty taxi đang hoạt động.
- Có cơ quan quản lý cụ thể; phải công khai số xe kinh doanh, doanh thu và thuế phải nộp hàng quý, hàng năm. Đảm bảo công bằng trong việc quản lý và chống thất thu thuế.
- Phải chịu sự khống chế về số đầu xe tham gia kinh doanh theo quy hoạch chung tại các địa bàn theo kế hoạch phát triển số xe hoạt động tại các địa bàn mà taxi đang bị khống chế số lượng.
- Phải đăng ký giá và chịu sự quản lý giá như các công ty taxi đang bị quản lý.
- Chấm dứt các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh bằng các chiêu thức "giảm giá, chiến lược giá hủy diệt", "siêu giảm giá", "siêu rẻ", "trợ giá" đang nhằm mục đích chủ yếu là chiếm lĩnh thị trường, đánh sập các doanh nghiệp trong nước.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Bản chất là xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng
Theo quy định tại Điều 66 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm 5 loại hình: (1) Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xác định bến đi, bến đến với lịch trình, hành trình nhất định; (2) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định; (3) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của khách hàng, cước tính theo đồng hồ tính tiền; (4) Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải; (5) Kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình và địa điểm du lịch.
Trong trường hợp các đơn vị vận tải hoạt động theo đúng các loại hình nêu trên và chấp hành đầy đủ các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh được quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải mà có sử dụng các phần mềm ứng dụng nhằm mục đích hỗ trợ cho điều hành hoạt động vận tải, quản lý doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và hiệu quả của doanh nghiệp thì Bộ Giao thông vận tải luôn đồng tình ủng hộ.
Loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng quy định trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP đang thực hiện với hình thức hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy. Riêng đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với loại xe dưới 9 chỗ thì Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử (Công văn số 1850/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải). Việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử thay cho hợp đồng vận tải hành khách bằng giấy (hay còn gọi là nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử) là bản chất của việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Bản chất ở đây là xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng (được các Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu xe hợp đồng theo quy định) ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng giấy chứ không phải loại hình taxi.
Về quản lý, cấp phép và các nghĩa vụ về thuế
Bản chất của việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng theo Công văn số 1850/TTg-KTN và Quyết định số 24/QĐ-BGTVT là việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản. Vì vậy, các đơn vị vận tải tham gia thí điểm phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT.
Việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cấp phù hiệu và quản lý hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT đã quy định thẩm quyền do Sở Giao thông vận tải thực hiện trên địa bàn địa phương mình.
Việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải bằng xe ô tô đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15/10/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Trong đó, tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT quy định:
"2. Danh mục dịch vụ thực hiện kê khai giá cước vận tải
a) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định;
b) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định;
c) Kinh doanh vận tảu hành khách bằng xe taxi;
d) Ngoài danh mục dịch vụ kê khai giá cước quy định tại các Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản này, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, trong trường hợp cần thiết, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải trình UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh) bổ sung dịch vụ kinh doanh vận tải (kinh doanh vận tải bằng hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô) thực hiện kê khai giá tại địa phương".
Do vậy, trong trường hợp thực tế cần thiết phải bổ sung đối tượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ thực hiện kê khai giá thì Công ty gửi đề xuất đến Sở Giao thông vận tải để thực hiện theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT.
Về thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, Bộ Tài chính đã có Văn bản gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực này. Vấn đề này, đề nghị Công ty Vinasun trao đổi với Bộ Tài chính để được hướng dẫn rõ hơn.
Về quản lý đầu xe tham gia kinh doanh
Trong thực tế đã diễn biến, khi Bộ Giao thông vận tải chưa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm thì Uber, Grab cũng đã du nhập vào và hoạt động tại Việt Nam. Từ thời điểm khi áp dụng thí điểm, việc quản lý hoạt động được thực hiện theo Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT, trong nội dung đã quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị để phối hợp quản lý và thực hiện thí điểm.
Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải là tất yếu và đối với xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng cũng không nằm ngoài quy luật này. Vấn đề các địa phương quy hoạch phương tiện phù hợp với thực trạng giao thông đã được quy định tại Khoản 1, Khoản 6 Điều 6 Luật Giao thông đường bộ.
Nội dung này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại văn bản số 5197/VPCP-CN ngày 22/5/2017 triển khai các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại thành phố trực thuộc Trung ương, cụ thể:
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý với báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, yêu cầu UBND các thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan "1. Thực hiện lập, phê duyệt quy hoạch phương tiện vận tải, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo quy định tại Khoản 1, Khoản 6 Điều 6 Luật Giao thông đường bộ".
Đối với kiến nghị của Công ty Vinasun về chấm dứt hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của Uber, Grab bằng các chiêu thức giảm giá, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Công ty Vinasun trao đổi với Bộ Công Thương để được hướng dẫn rõ hơn.
Trước những kiến nghị của Công ty Vinasun, ngày 30/5/2017, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có Văn bản số 5744/BGTVT-VT đề nghị Công ty TNHH Grab Taxi, Công ty TNHH Uber Việt Nam làm rõ các nội dung liên quan đến đơn vị mình, báo cáo kết quả về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 6/6/2017 để tổng hợp báo cáo Văn phòng Chính phủ. Theo đó, Công ty TNHH Grab taxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam đã có văn bản trả lời các nội dung trên.
Chinhphu.vn