Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hầu như tất cả 12 thương hiệu ngân hàng Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng đều đã có sự cải thiện ở vị trí của mình. Vietcombank dẫn đầu đứng vị trí 137, ngân hàng có giá trị thứ hai Việt Nam là Agribank xếp thứ 159, BIDV xếp thứ 3 với vị trí 161. Trong khi đó, VIB xuất hiện lần đầu tiên trong bảng xếp hạng với giá trị thương hiệu xếp thứ 492.
Nghiên cứu của Brand Finance chỉ ra rằng sự phục hồi và dự báo doanh thu là những yếu tố quan trọng trong sự tăng trưởng ấn tượng về giá trị thương hiệu. Về tổng quan, các thương hiệu ngân hàng Việt Nam ghi nhận sự cải thiện vượt bậc về hiệu quả kinh doanh trong năm 2022, được củng cố bởi tốc độ tăng trưởng tín dụng (gần 13%) cũng như sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ với tăng trưởng GDP (đạt 8%)-cao nhất trong vòng 25 năm qua.
Theo ông Alex Haigh, Giám Đốc điều hành của Brand Finance khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các thương hiệu ngân hàng Việt Nam đang nhanh chóng áp dụng ngân hàng số như một hoạt động kinh doanh chính và trở thành những thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực này. Trong đó, Techcombank (giá trị thương hiệu tăng 46,7% lên xếp thứ 163), là thương hiệu ngân hàng phát triển nhanh thứ hai Việt Nam theo nghiên cứu của Brand Finance, họ đang sử dụng dịch vụ ngân hàng số và có sự tăng trưởng đáng kể của mảng ngân hàng bán lẻ. Kết hợp với những chuyển biến tích cực của nền kinh tế của Việt Nam, có thể thấy các thương hiệu ngân hàng Việt Nam đang vươn lên và trở thành một trong những thương hiệu ngân hàng hoạt động tốt nhất thế giới năm 2022.
"Chúng tôi cho rằng, các thương hiệu ngân hàng Việt Nam đã sẵn sàng để đồng hành và hợp nhất trong một vài năm tới nhằm tăng cường tối đa hiệu quả và nâng cao sức mạnh thương hiệu bởi Việt Nam đang có một số lượng lớn các ngân hàng có quy mô tương tự nhau. Nếu điều này có thể diễn ra, các thương hiệu sẽ đem lại những giá trị tối đa cho nhau trong quá trình hợp nhất"-ông Alex Haigh nhận định.
Theo các chuyên tư vấn thương hiệu và nghiên cứu thị trường, kết quả bảng xếp hạng Branking 500 năm 2023 của Brand Finance đang trở thành một chỉ số quan trọng để các ngân hàng Việt Nam phấn đấu.
Nỗ lực của các ngân hàng Việt trong xây dựng và phát triển thương hiệu thời gian qua là rất đáng khích lệ. Nó thực sự giúp gia tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng Việt, đặc biệt các ngân hàng nhỏ hơn đang có cơ hội bứt phá nhờ định hướng đầu tư cho mobile banking.
Trên phương diện xếp hạng toàn cầu, mặc dù giá trị thương hiệu giảm 7% xuống còn 69,5 tỷ USD, Ngân Hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) vẫn bảo vệ được vị trí thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới của mình. Với một số công ty con toàn cầu phục vụ hơn nửa tỷ khách hàng cá nhân và vài triệu khách hàng doanh nghiệp, ICBC vẫn phát triển vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh.
Các điểm chính được nêu trong báo cáo Banking 500 năm 2023 của Brand Finance ủng hộ sự phổ cập trên toàn cầu về ngân hàng số khi giá trị thương hiệu của ngân hàng số tăng 102,6% (từ 795,6 triệu USD vào năm 2022 lên 1.611,9 triệu USD vào năm 2023). Các thương hiệu ngân hàng số như Tymebank và Discovery Bank ở Nam Phi, Nubank ở Brazil và Maya Bank ở Philippines có sự bứt phá trong lĩnh vực này, đạt điểm số cao trong các chỉ số đổi mới và bền vững của Brand Finance-hai yếu tố chính thúc đẩy sự lựa chọn của khách hàng.
Giám đốc Brand Finance Declan Ahern nhận định: Các thương hiệu ngân hàng trên thế giới đang có sự phục hồi đáng kể sau đại dịch COVID-19. Họ có sự cải thiện trong các dịch vụ ngân hàng số, các đòn bẩy thúc đẩy của Chính phủ tương đối thành công.
Sự gia tăng của các nền tảng ngân hàng di động và trực tuyến đã góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành. Được thúc đẩy bởi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn cầu, các thương hiệu ngân hàng và fintech liên tục đổi mới để tạo ra các dịch vụ ứng dụng di động thân thiện với người dùng, giúp gia tăng mức độ hài lòng và thu hút khách hàng mục tiêu.
Anh Minh