Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Đinh Văn Hạnh (tỉnh Nam Định) là thương binh loại 2/4, tỷ lệ thương tật 75%. Gần đây ông hay bị đau đầu, nhức mắt, bác sĩ kết luận bên trong nhãn cầu trái còn mảnh kim loại, dị vật nội sọ đường kính 4mm, mắt trái thị lực bằng 0.
Trong biên bản giám định thương tật của ông có ghi "vết thương xuyên nhãn cầu trái thị mắt trái "-". Mắt phải không tổn thương do sang chấn. Điện não đồ vùng thái dương trái có rối loạn tâm thần, động kinh, do tổn thương thực thể não.
Ông Hạnh hỏi, ông có được giám định lại vết thương còn sót không? Nếu đủ điều kiện thì phải làm những thủ tục gì?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Giám định vết thương còn sót áp dụng trong các trường hợp: Giấy chứng nhận bị thương ghi nhiều vết thương nhưng trong Biên bản giám định thương tật chưa khám đủ các vết thương đó; Giấy chứng nhận bị thương và Biên bản giám định không thể hiện có mảnh kim khí, đến nay qua chiếu, chụp phát hiện còn mảnh kim khí trong cơ thể.
Do đó, để khẳng định vết thương còn sót hay không thì phải đối chiếu Giấy chứng nhận bị thương với Biên bản giám định thương tật. Trường hợp còn sót mảnh kim khí thì phải đối chiếu giữa Giấy chứng nhận bị thương, Biên bản giám định thương tật trước đây và kết quả chụp chiếu, chẩn đoán của bệnh viện.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đối chiếu kiểm tra hồ sơ và giới thiệu ra Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền”.
Vì vậy, đề nghị ông Hạnh liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định (cơ quan quản lý hồ sơ gốc) để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Chinhphu.vn