Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ý kiến của ông Khoa, trước khi có Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, việc giám sát các nhà thầu thực hiện các hạng mục phòng cháy chữa cháy trong công trình diễn ra bình thường mà kết quả công trình vẫn được các cơ quan phòng cháy chữa cháy tiến hành kiểm tra nghiệm thu đạt yêu cầu đưa vào sử dụng. Tuy nhiên khi Nghị định số 79/2014/NĐ-CP được ban hành, cán bộ thi công, giám sát phải qua lớp đào tạo 6 tháng (học cả ngày) để có chứng chỉ đã qua bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy chữa cháy.
Quy định này hiện gây khó khăn cho hàng ngàn người lao động, doanh nghiệp vì cán bộ thi công, giám sát không thể bỏ công việc để đi học 6 tháng. Ông Khoa đề nghị xem xét điều chỉnh quy định trên vì đã có cơ quan phòng cháy chữa cháy để kiểm tra kết quả của các đơn vị thi công giám sát, nên không cần phải có giấy phép con về năng lực.
Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:
Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản; các vụ cháy xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có sự chấp hành thiếu nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của chủ đầu tư và cơ quan thi công công trình.
Trên thực tế, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy có đặc thù riêng vì vấn đề này có liên quan đến tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Vì vậy, tại Khoản 6 Điều 1 Luật số 40/2013/QH sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy đã quy định “kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện”.
Tiếp đó, tại Điều 46 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy có quy định về điều kiện để cá nhân được phép hành nghề dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là phải có văn bằng, chứng chỉ hành nghề về phòng cháy, chữa cháy (được bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy, chữa cháy ít nhất 6 tháng).
Quy định trên là rất cần thiết và hợp lý vì khi cán bộ thi công, giám sát về phòng cháy, chữa cháy sẽ nắm vững nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy và nguyên lý hoạt động, tính năng, tác dụng của hệ thống, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; qua đó nâng cao năng lực hoạt động kinh doanh, hành nghề của các doanh nghiệp, cá nhân và đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các dự án, công trình.
Qua công tác nắm tình hình, nhiều doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ và chấp hành nghiêm chỉnh quy định trên. Đến nay, trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy đã tổ chức được 25 lớp bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy, chữa cháy cho khoảng 2.500 học viên, địa điểm tổ chức tại nhiều địa phương như: Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh… Thời gian học linh động vào các ngày cuối tuần đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp sắp xếp công việc, bố trí thời gian theo học.
Chinhphu.vn