Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đơn vị bà Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) hiện có dự án đã được HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư với những nội dung sau:
- Nhóm dự án: Nhóm B.
- Mục tiêu đầu tư: Đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị dạy nghề bảo đảm đồng bộ, công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy và học, phù hợp với quy mô đào tạo, định hướng phát triển theo đề án trường chất lượng cao đã được phê duyệt.
- Loại công trình: Đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề (dự án không có cấu phần xây dựng).
- Tổng mức đầu tư tạm tính được dùng để thực hiện: Chi đầu tư mua sắm thiết bị dạy nghề; chi phí tư vấn và dự phòng.
- Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Trên cơ sở đó, đơn vị tiếp tục tiến hành quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đơn vị bà gặp khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:
Dự án thuộc loại công trình: Đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề (dự án không có cấu phần xây dựng).
Tại Điều 27 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định nội dung, xác định tổng mức đầu tư của dự án.
Theo Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ có nêu: "Người có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án không có cấu phần xây dựng theo quy định của Luật Đầu tư công quyết định hình thức tổ chức quản lý thực hiện dự án phù hợp với yêu cầu quản lý, điều kiện cụ thể của dự án, quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan như: Ban quản lý dự án, thuê tư vấn quản lý dự án, chủ đầu tư trực tiếp quản lý".
Tuy nhiên, hiện dự án không có cấu phần xây dựng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về căn cứ văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để xác định các chi phí trong dự toán tổng mức đầu tư của dự án (chi phí mua sắm trang thiết bị đào tạo, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác, chi phí dự phòng…).
Bà Hà đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về căn cứ văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở xác định các chi phí trên trong dự toán tổng mức đầu tư của dự án không có cấu phần xây dựng.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Tại Khoản 2 Điều 82 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan trung ương bao gồm ban hành, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật.
Tại Khoản 4 Điều 27 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định:
"Cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực quy định tiêu chuẩn, định mức, nội dung chi tiết và phương pháp xác định chi phí làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư dự án thuộc ngành, lĩnh vực quản lý".
Do đó, việc ban hành tiêu chuẩn, định mức để xác định chi phí trong dự toán tổng mức đầu tư dự án đối với các dự án không có cấu phần xây dựng thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành quản lý ngành, lĩnh vực liên quan.
Chinhphu.vn