Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Chính hỏi như sau:
Điều kiện hưởng chế độ như cán bộ đơn vị sự nghiệp
Theo khoản 3, Điều 1 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ, thì công việc bảo vệ là một trong các công việc thực hiện chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp (trong đó có trường phổ thông công lập).
Khoản 2 Điều 4 của Nghị định này quy định: Những người đang làm các công việc quy định tại Điều 1 của Nghị định này đã được tuyển dụng kể từ ngày 1/4/1993 (là ngày Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ có hiệu lực) thì chuyển sang thực hiện chế độ hợp đồng theo quy định tại Nghị định này.
Mục 4, Phần II Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP ngày 11/4/2001 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn, trường hợp ký HĐLĐ không xác định thời hạn với cá nhân trực tiếp làm các công việc nói tại Điều 1 của Nghị định số 68/2000/NĐ-CP thì ngoài những quy định được ghi trong mẫu hợp đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, cá nhân trực tiếp làm hợp đồng được hưởng các chế độ, chính sách như cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp như sau:
- Được áp dụng bảng lương hành chính quy định tại Nghị định số 25/CP (nay chuyển xếp theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP) để xếp lương theo ngạch và để làm các công việc nói tại Điều 1 của Nghị định số 68/2000/NĐ-CP;
- Được nâng bậc lương theo thâm niên quy định.
- Được điều chỉnh mức lương khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu hoặc theo thang bảng lương mới do cải cách chính sách tiền lương.
- Được tham gia học tập, bồi dưỡng theo yêu cầu của cơ quan.
- Được hưởng các chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
- Nếu được cơ quan cử đi nước ngoài thì được hưởng quyền lợi như cán bộ, công chức,...
Về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi của người lao động làm việc theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP áp dụng theo quy định của pháp luật về lao động.
Trường hợp ông Đỗ Bá Chính làm nhân viên bảo vệ tại trường THPT từ năm 1996 đến nay. Đối chiếu các quy định nêu trên, thì ông Chính là người lao động, thực hiện HĐLĐ theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP tại đơn vị sự nghiệp công lập (trường THPT công lập thuộc Sở Giáo dục Đào tạo).
Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Căn cứ Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần đối với cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, thì ông Chính là đối tượng thực hiện chế độ làm việc 8 giờ một ngày, 40 giờ trong 5 ngày, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần như các giáo viên khác trong nhà trường.
Căn cứ khoản 1 Điều 115 Bộ Luật Lao động năm 2012, ông Chính được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
- Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1/1 dương lịch);
- Tết Âm lịch 5 ngày;
- Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30/4 dương lịch);
- Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1/5 dương lịch);
- Ngày Quốc khánh 1 ngày (ngày 2/9 dương lịch);
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10/3 âm lịch).
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin liên quan:
- Trường hợp không áp dụng hợp đồng khoán việc
- Chế độ giờ làm việc đối với người lao động thời vụ