Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Từ tháng 10/2015, bà Nhung nhận lương tại nơi công tác mới, bị cắt phụ cấp công vụ 25% và phải đóng 1% bảo hiểm thất nghiệp. Hiện nay, cơ quan của bà Nhung đang làm thủ tục đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy chuyển xếp lương cho bà sang chức danh viên chức ngành giáo dục - đào tạo và đề nghị cho bà được hưởng 30% chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo.
Bà Nhung hỏi, trường hợp của bà bị cắt phụ cấp công vụ và phải đóng bảo hiểm thất nghiệp có đúng quy định không? Điều kiện nào để bà được hưởng phụ cấp ưu đãi nhà giáo?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Theo Khoản 4, Điều 11 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức thì, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh ủy là công chức.
Khoản 1, Điều 7 Thông tư số 08/2011/TT-BNV ngày 2/6/2011của Bộ Nội vụ hướng dẫn, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ có người đứng đầu được quy định là công chức thì những người được giao quyền trưởng đơn vị hoặc giao phụ trách đơn vị chưa được xác định là công chức, trừ trường hợp đang là công chức ở các cơ quan khác được điều động về.
Căn cứ quy định và hướng dẫn nêu trên, ở Trung tâm bồi dưỡng chính trị thuộc huyện ủy chỉ có người đứng đầu (giám đốc) là công chức. Trường hợp công chức ở cơ quan khác được điều động về Trung tâm làm quyền giám đốc, hoặc phụ trách Trung tâm thì người đó tiếp tục là công chức.
Theo bà Khổng Thị Nhung phản ánh, trước tháng 9/2015 bà là công chức, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Ảng. Ngày 18/9/2015 bà được Thường vụ Huyện ủy ra quyết định điều động về Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Mường Ảng (là đơn vị sự nghiệp thuộc huyện ủy) giữ chức vụ Phó Giám đốc. Mặc dù khi đó Trung tâm chưa có Giám đốc, nhưng bà Nhung không được giao quyền giám đốc, hay được giao phụ trách Trung tâm, nên không có cơ sở pháp lý để xác định bà Nhung là công chức.
Căn cứ Khoản 3, Điều 4 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ về chế độ phụ cấp công vụ, sau khi được điều động về làm Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị của huyện, bà Nhung đã trở thành viên chức, không còn là công chức nên bà Nhung thôi hưởng chế độ phụ cấp công vụ từ tháng tiếp theo là đúng quy định.
Căn cứ Điều 43; Khoản 1, Điều 57 Luật Việc làm, viên chức làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị sự nghiệp công lập là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng. Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy kể từ khi trở thành viên chức, hàng tháng bà Nhung phải đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 1% tiền lương là đúng quy định.
Đối với việc chuyển ngạch công chức sang chức danh nghề nghiệp viên chức, Khoản 1, Điều 31 Luật Viên chức quy định, việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc, làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó. Người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó.
Theo đó, sau khi được điều động về Trung tâm Bồi dưỡng chính trị của huyện, bà Nhung sẽ được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chuyển ngạch công chức sang chức danh nghề nghiệp viên chức, tương ứng với vị trí việc làm là Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị.
Điều kiện hưởng phụ cấp ưu đãi
Theo Điểm c, Khoản 1; Điểm a, Khoản 2, Mục I và Điểm b, Khoản 1, Mục II Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23/1/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, thì cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền thuộc đối tượng hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi. Riêng đối tượng này không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành giáo dục và đào tạo.
Đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh áp dụng mức phụ cấp 30%.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 Quy chế giảng dạy và học tập của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ban hành kèm theo Quyết định số 1853-QĐ/BTGTW ngày 4/3/2010 của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, số giờ giảng dạy tối thiểu hàng năm đối với phó giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện là giảng dạy 60 giờ chuẩn, trong đó có 40 giờ giảng bài.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp bà Khổng Thị Nhung sau khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Mường Ảng, trực tiếp giảng dạy đủ 60 giờ chuẩn, trong đó có 40 giờ giảng bài trong một năm, thì thuộc đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi theo Quyết định 244/2005/QĐ-TTg mà không nhất thiết phải xếp vào các chức danh nghề nghiệp viên chức ngành giáo dục và đào tạo.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội