• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/4/2025

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/4/2025.

11/04/2025 10:24
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/4/2025- Ảnh 1.

Từ năm 2025-2026, Bộ Công an rà soát, tháo gỡ các bất cập liên quan đến: sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; đăng ký xe máy chuyên dùng.

Triển khai Nghị quyết của UBTVQH về thực hiện chính sách, pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Chính phủ vừa có Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 10/4/2025 ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 1313/NQ-UBTVQH15 ngày 25/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 (Kế hoạch).

Mục đích của Kế hoạch nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nghiên cứu khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập; xem xét tiếp thu, triển khai thực hiện có hiệu quả những đề xuất, kiến nghị được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các mục tiêu cụ thể là tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào đối tượng ở lứa tuổi học sinh và các bậc phụ huynh, vận động đến từng gia đình không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông;

Chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông bảo đảm minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Xây dựng văn hóa giao thông trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc

Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trưởng các đơn vị có liên quan tiếp tục quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối, văn bản chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25 tháng 5 năm 2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này.

Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát tổng thể, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để kịp thời thể chế các chủ trương, đường lối, văn bản chỉ đạo của Đảng, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những bất cập, hạn chế của các quy định hiện hành, trước mắt tập trung rà soát các quy định của Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Bộ luật Hàng hải Việt Nam để đề xuất, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung ban hành mới; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tiến độ thực hiện từ năm 2025-2026.

Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng loại đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa giao thông của từng địa phương; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; xây dựng văn hóa giao thông trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Thời gian thực hiện từ năm 2025-2026.

Trong năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Xây dựng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý và thi hành pháp luật, bảo đảm kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu đường bộ và các cơ sở dữ liệu khác để hình thành nên cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông thống nhất trên toàn quốc. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn khi đầu tư, xây dựng các hạng mục công trình giao thông, quản lý giao thông để tổ chức giao thông thông minh, nhằm giảm ùn tắc và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đẩy nhanh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, đăng kiểm phương tiện

Về lĩnh vực đường bộ, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh việc xây dựng, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải, đào tạo, đăng kiểm phương tiện.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh việc xây dựng, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sát hạch cấp giấy phép lái xe. Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính; hiện đại hoá các trung tâm chỉ huy giao thông.

Trong năm 2026, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan đến việc: quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe, lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển số xe máy chuyên dùng.

Từ năm 2025-2026, Bộ Công an rà soát, tháo gỡ các bất cập liên quan đến: sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; đăng ký xe máy chuyên dùng.

Đối với lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, nghiên cứu các quy định liên quan đến việc: phân cấp cho địa phương thực hiện công tác quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải đối với các dự án, công trình do ngân sách địa phương thực hiện một phần hoặc toàn phần; đẩy mạnh phân cấp việc quản lý các cảng, bến, tuyến luồng đường thủy nội địa cho địa phương quản lý; phân định ranh giới hành chính trên biển, ban hành quy định về mốc giới hành chính trên các tuyến sông tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý người và phương tiện của các địa phương; tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa; quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy nội địa cho phù hợp với thực tiễn.

Từ năm 2025-2026, Bộ Xây dựng chủ trì rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn về việc: xác định, quản lý luồng, tuyến phù hợp với hiện trạng các địa phương ven biển để tránh gây lãng phí, tránh chồng chéo trong công tác quản lý hoạt động đường thủy nội địa và hoạt động hàng hải; quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước; đăng ký, đăng kiểm đối với trường hợp phương tiện thủy nội địa đã sử dụng nhiều năm, không có hồ sơ gốc và chưa đăng ký, đăng kiểm; nghiên cứu bổ sung chương trình đào tạo cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn hoặc cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng về giao thông đường thủy nội địa dành cho người đồng bào dân tộc thiểu số; xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông đường thủy nội địa trên các tuyến sông do Trung ương quản lý; triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa.

Về lĩnh vực đường sắt, từ năm 2025-2026, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố mà tuyến đường sắt đi qua tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt; ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 – 2020.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố mà tuyến đường sắt đi qua tiếp tục phân cấp, phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về đường sắt. Thời gian thực hiện từ năm 2025-2026.

Trong năm 2025, Bộ Xây dựng chủ trì, nghiên cứu lập Đề án xác định ranh giới đất dành cho đường sắt, lập hồ sơ quản lý đất dành cho đường sắt đối với đoạn đường sắt, dự án đường sắt qua địa bàn các tỉnh, trong đó giao đơn vị cụ thể làm chủ đầu tư; sau khi hoàn thành bàn giao hồ sơ cho địa phương quản lý, cập nhật vào hồ sơ địa chính.

Đối với lĩnh vực hàng không, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng sân bay đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và đã phê duyệt dự án. Thời gian thực hiện từ năm 2025-2026.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng quản lý chặt chẽ hoạt động của máy bay không người lái, phương tiện bay không người lái để bảo đảm an toàn hàng không dân dụng.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng phối hợp với các địa phương trong thực hiện dịch vụ vận chuyển hành khách, xây dựng các tuyến đường để kết nối từ khu trung tâm đô thị, trung tâm du lịch đến các cảng hàng không và ngược lại, điều chỉnh mở rộng nút giao thông đến và đi từ các nhà ga của cảng hàng không.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, phối hợp với các địa phương trong công tác đảm bảo nguồn lực giám sát an ninh an toàn hàng không nhằm đáp ứng, duy trì và nâng cao việc thực thi hiệu quả hệ thống giám sát an ninh, an toàn hàng không. Thời gian thực hiện từ năm 2025-2026.

Chính phủ yêu cầu trong Quý II/2025, các bộ, ngành, các cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, kiểm tra việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các nghiệm vụ được giao tại Nghị quyết này.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 728/QĐ-TTg kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo).

Theo đó, Trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ.

Các Phó Trưởng Ban gồm: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (Phó Trưởng ban Thường trực); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (ủy viên thường trực); Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Thứ trưởng Bộ Y tế; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Tài chính; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lãnh đạo Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam; Lãnh đạo Cục Khoa học quân sự/Bộ Quốc phòng (ủy viên Thư ký).

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo quốc gia

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, nhiệm vụ giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, các giải pháp huy động nguồn lực trong và ngoài nước để nhanh chóng khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.

Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện những vấn đề quan trọng, liên ngành trong triển khai các chương trình, kế hoạch về khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.

Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá két quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh và thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định nêu rõ Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định.

Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có Cơ quan Thường trực đặt tại Bộ Quốc phòng do đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo là Trưởng Cơ quan Thường trực, Cơ quan Thường trực có Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.

Thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 9/4/2025 thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ).

Phó Trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Các thành viên bao gồm: Ông Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Đỗ Ngọc Huỳnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; ông Lê Hải Bình, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội; ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh; ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An; ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Mời đại diện lãnh đạo các ban, ngành tham gia thành viên Ban Chỉ đạo: ông Nguyễn Hữu Đông, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Quốc Đoàn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; ông Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước.

Chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo

Theo Quyết định, BCĐ là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

BCĐ có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc thi hành án.

Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực BCĐ, sử dụng bộ máy hiện có để giúp BCĐ thực hiện nhiệm vụ.

Nguyên tắc, chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo

BCĐ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Quyết định này. Trưởng BCĐ ban hành Quy chế làm việc của BCĐ.

Các thành viên BCĐ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công, được sử dụng biên chế hiện có của cơ quan, đơn vị để giúp việc thành viên BCĐ.

Trưởng BCĐ được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; Phó Trưởng ban được sử dụng con dấu của cơ quan mình để thực hiện nhiệm vụ và điều hành hoạt động của BCĐ; thành viên BCĐ được sử dụng con dấu của cơ quan mình để thực hiện nhiệm vụ.

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tình hình triển khai dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 169/TB-VPCP ngày 9/4/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tình hình triển khai dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng góp phần thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững

Thông báo nêu: Việc đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, giúp cho hoạt động giao thông và logictics tốt hơn, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các tỉnh phía Nam và cả nước; đây là trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành, địa phương, trong đó có các tỉnh, thành phố có dự án đi qua.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận sự nỗ lực, tinh thần làm việc có trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, các doanh nghiệp, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trực tiếp làm việc tại các công trường dự án; các cấp chính quyền địa phương tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị, thống nhất nhận thức và hành động, nỗ lực vượt qua khó khăn, chỉ đạo từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (về giải phóng mặt bằng, vật liệu san lấp…) để thúc đẩy tiến độ các dự án theo mục tiêu đã đề ra, tiến tới hoàn thành khoảng 600km đường cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2021 - 2026, làm tiền đề để tiếp tục đầu tư xây dựng khoảng 600km đường cao tốc ở khu vực này trong giai đoạn 2026-2030, góp phần tích cực trong việc hoàn thành 3.000km đường cao tốc của cả nước vào năm 2030. Việc quyết liệt triển khai tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy khu vực đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nói riêng còn chậm chạp; mặc dù đã nỗ lực để từng bước giải quyết khó khăn về vật liệu san lấp nhưng việc giải quyết chưa quyết liệt, chưa triệt để, làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, đặc biệt là đối với các dự án thành phần 2, 3, 4 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang chậm tiến độ, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm để quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án trong thời gian tới.

Để thúc đẩy tiến độ các dự án trong thời gian tới, quyết tâm phấn đấu hoàn thành Dự án vào tháng 7 năm 2026, Thủ tướng yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; các bộ, ngành, đơn vị phải tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động hơn, linh hoạt hơn, vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tất cả vì sự nghiệp chung, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình triển khai các dự án.

Bàn giao mặt bằng trong tháng 4/2025

Về công tác giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng giải quyết dứt điểm toàn bộ mặt bằng để bàn giao cho dự án thuộc phạm vi quản lý trước ngày 15 tháng 4 năm 2025.

Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các Chi nhánh điện tại khu vực có Dự án đi qua thực hiện di dời ngay các công trình hạ tầng điện cao thế để bàn giao mặt bằng cho dự án trong tháng 4 năm 2025.

Bảo đảm cung ứng toàn bộ vật liệu

Về vật liệu xây dựng, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng trực tiếp làm việc với lãnh đạo các địa phương có nguồn vật liệu san lấp để hỗ trợ cung ứng vật liệu cho các dự án thuộc phạm vi quản lý.

Các Ban quản lý dự án phối hợp, hỗ trợ nhà thầu chủ động, năng động tìm kiếm, đa dạng hóa nguồn vật liệu xây dựng theo đúng cam kết trong hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư để bù đắp sự thiếu hụt về công suất khai thác các mỏ; bảo đảm cung ứng toàn bộ vật liệu đáp ứng yêu cầu công tác gia tải trước ngày 31 tháng 8 năm 2025.

Nâng cao năng suất lao động, rút ngắn thời gian hoàn thành dự án

Về công tác thi công, Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu huy động tối đa máy móc, thiết bị và nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ mới, tranh thủ việc khơi thông nguồn vật liệu san lấp và điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung thi công với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "chỉ bàn làm, không bàn lùi" để bù đắp tiến độ trong thời gian qua, quyết tâm làm việc nào xong việc đấy, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, nâng cao chất lượng công trình, giữ gìn vệ sinh môi trường; huy động thêm các nhà thầu đủ năng lực điều kiện thi công theo quy định để hỗ trợ thi công theo đúng tiến độ, chất lượng.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương chủ quản các dự án thành phần phát động ngay phong trào thi đua hoàn thành vượt tiến độ các dự án; phải chủ động hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, cử cán bộ bám sát công trường, làm việc thực chất hơn (phải có kết quả thực chất, được định lượng rõ ràng).

Lãnh đạo Bộ Xây dựng làm việc ngay với các nhà thầu, đơn vị tư vấn về giải pháp thi công, xử lý lún để nâng cao năng suất lao động, rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, phấn đấu hoàn thành Dự án trong tháng 7 năm 2026.

Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 9, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương huy động nhân lực, máy móc thiết bị hỗ trợ tối đa cho các địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tiếp tục quyết liệt chỉ đạo giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, không để thiếu vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu san lấp đắp nền đường, không để dự án chậm tiến độ.

Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng có tổng chiều dài 188,2km, đi qua địa phận 4 tỉnh, thành phố, quy mô đầu tư phân kỳ 4 làn xe. Tiến độ dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần vận hành độc lập, trong đó Dự án thành phần 1 do tỉnh An Giang làm cơ quan chủ quản, chiều dài khoảng 57km. Dự án thành phần 2 do thành phố Cần Thơ làm cơ quan chủ quản, chiều dài khoảng 37,4km. Dự án thành phần 3 do tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản, chiều dài khoảng 6,7km. Dự án thành phần 4 do tỉnh Sóc Trăng làm cơ quan chủ quản, chiều dài khoảng 58,4 km./.