• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/02/2025

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/02/2025.

21/02/2025 18:12
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/02/2025- Ảnh 1.

Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030.

Phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030 

 Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 19/2/2025 phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030.

Mục tiêu của Đề án nhằm hình thành ít nhất 01 hoặc 02 mạng lưới trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng trong mỗi lĩnh vực công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0. Riêng lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn và công nghệ sinh học hình thành ít nhất 02 hoặc 03 mạng lưới trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng ba miền Bắc - Trung - Nam. Mỗi mạng lưới trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng do 01 cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh đóng vai trò dẫn dắt và có ít nhất 05 cơ sở giáo dục đại học cùng với một số doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia.

Mỗi mạng lưới tổ chức được ít nhất 01 chương trình xuất sắc về đào tạo thích ứng, đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyên sâu cho phát triển nguồn nhân lực trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0.

Phấn đấu mỗi mạng lưới thu hút được ít nhất 100 nhà khoa học và chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.

Đề án đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp triển khai gồm: 1- Nghiên cứu, rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm tạo đột phá trong hoạt động đào tạo của một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0; 2- Xây dựng, củng cố và phát triển các trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0 của Việt Nam; 3- Phát triển nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho các trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0 của Việt Nam; 4- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập về đào tạo trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0.

Hỗ trợ học phí, cấp học bổng để nâng cao chất lượng người học trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0

Trong đó, Đề án nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên cơ sở hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học.

Hỗ trợ phát triển mô hình gắn kết giữa các cơ sở giáo dục đại học với các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thông qua đặt hàng, tuyển chọn/giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về tín dụng, hỗ trợ học phí, cấp học bổng để thu hút và nâng cao chất lượng người học trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0, trước mắt thực hiện đối với học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Phát triển các cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh trở thành hạt nhân các mạng lưới đào tạo xuất sắc và tài năng ở bậc sau đại học

Đồng thời, Đề án hỗ trợ, đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học trở thành trung tâm đào tạo mạnh ở ba miền Bắc - Trung - Nam trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0; xây dựng nền tảng đánh giá trực tuyến về kỹ năng, năng lực nghề nghiệp phục vụ kết nối cơ sở giáo dục đại học, người học, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan. Thực hiện cơ chế chia sẻ thông tin và cung cấp tư vấn về các chính sách ưu tiên trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng thuộc một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0.

Phát triển các cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh trở thành hạt nhân các mạng lưới đào tạo xuất sắc và tài năng ở bậc sau đại học trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0 như: trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn; công nghệ mạng thế hệ sau, công nghệ an ninh mạng thông minh và truyền thông đa phương tiện; công nghệ giáo dục; vật liệu mới; công nghệ xây dựng, giao thông và hạ tầng tiên tiến, thông minh; công nghệ sinh học trong nông nghiệp, công nghiệp và y sinh; năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen.

Đề án ưu tiên xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp bộ, ngành; hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các cơ sở giáo dục đại học nhằm tạo ra sản phẩm công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0. Chú trọng nghiên cứu tạo ra các sản phẩm khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, gắn sản phẩm đào tạo sau đại học và tạo ra sản phẩm ứng dụng, sản phẩm thương mại.

Mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập về đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập về đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học trong nước liên kết với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ về công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/02/2025- Ảnh 2.

Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả ĐTNN tại Việt Nam gồm 42 chỉ tiêu, trong đó có 29 chỉ tiêu về kinh tế, 8 chỉ tiêu về xã hội và 5 chỉ tiêu về môi trường.

Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 

 Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 18/2/2025 ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam.

Quyết định ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả ĐTNN tại Việt Nam, áp dụng đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài theo các hình thức đầu tư quy định tại Điều 21 Luật đầu tư.

Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả ĐTNN tại Việt Nam gồm 42 chỉ tiêu, trong đó có 29 chỉ tiêu về kinh tế, 8 chỉ tiêu về xã hội và 5 chỉ tiêu về môi trường.

29 chỉ tiêu về kinh tế

Căn cứ vào tác động của khu vực ĐTNN đối với sự phát triển kinh tế và các yếu tố tác động như vốn, tăng trưởng, hiệu quả hoạt động, công nghệ, nộp ngân sách, tác động lan tỏa, liên kết với doanh nghiệp trong nước, 29 chỉ tiêu đánh giá về kinh tế được chia thành 06 nhóm gồm:

- Nhóm tiêu chí về quy mô, đóng góp vào sự phát triển của KTXH khu vực ĐTNN (8 chỉ tiêu), gồm: (1) Tốc độ tăng giá trị tăng thêm trong GDP của khu vực có vốn ĐTNN; (2) Tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực có vốn ĐTNN trong GDP; (3) Tốc độ tăng vốn ĐTNN đăng ký; (4) Tỷ lệ giá trị vốn ĐTNN điều chỉnh; (5) Tốc độ tăng vốn ĐTNN thực hiện; (6) Tỷ lệ vốn ĐTNN thực hiện trên vốn ĐTNN đăng ký; (7) Tỷ trọng vốn ĐTNN thực hiện trong tổng đầu tư toàn xã hội; (8) Tỷ trọng vốn chủ sở hữu của nhà ĐTNN trong tổng vốn ĐTNN thực hiện.

- Nhóm tiêu chí về hiệu quả hoạt động của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN (10 chỉ tiêu), gồm: (1) Lợi nhuận trước thuế; (2) Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN (ROA); (3) Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN (ROE); (4) Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN (ROS); (5) Tỷ trọng xuất khẩu của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN; (6) Tỷ trọng nhập khẩu của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN; (7) Tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN; (8) Tỷ trọng nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN; (9) Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN; (10) Tốc độ tăng giá trị nhập khẩu của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN.

- Nhóm tiêu chí về nộp ngân sách nhà nước của khu vực ĐTNN (03 chỉ tiêu), gồm: (1) Số nộp ngân sách nhà nước của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN; (2) Tốc độ tăng nộp ngân sách của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN; (3) Tỷ trọng nộp ngân sách của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN trong tổng thu ngân sách nhà nước.

- Nhóm tiêu chí về tác động lan tỏa của ĐTNN (02 chỉ tiêu): (1) Tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu đầu vào được sản xuất trong nước của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN và (2) Tỷ lệ tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN có liên kết với nhà sản xuất, cung ứng trong nước.

- Nhóm tiêu chí về công nghệ của khu vực ĐTNN (02 chỉ tiêu): (1) Tỷ lệ tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN được cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; (2) Tỷ lệ tổ chức có vốn ĐTNN ứng dụng công nghệ cao.

- Nhóm tiêu chí về đóng góp của ĐTNN vào nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam (04 chỉ tiêu): (1) Số lượng tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN có trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển; (2) Tỷ lệ tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN có trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam; (3) Tốc độ tăng tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN có trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển: (4) Tốc độ tăng nguồn vốn chi cho đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN tại Việt Nam.

8 chỉ tiêu về xã hội

Các chỉ tiêu về xã hội nhằm đánh giá trên khía cạnh tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, bình đẳng giới và tuân thủ pháp luật, gồm 8 chỉ tiêu, chia thành 3 nhóm cụ thể như sau:

- Nhóm tiêu chí về tạo việc làm và thu nhập cho người lao động (6 chỉ tiêu), gồm: (1) Số lao động làm việc trong tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN; (2) Tỷ lệ lao động làm việc trong tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN; (3) Tốc độ tăng lao động trong tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN; (4) Tỷ lệ thu nhập bình quân người lao động làm việc trong tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN so với thu nhập bình quân người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp; (5) Tốc độ tăng thu nhập bình quân người lao động làm việc trong tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN; (6) Tỷ lệ lao động đóng bảo hiểm xã hội trong tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN.

- Nhóm tiêu chí về bình đẳng giới (1 chỉ tiêu): Tỷ lệ lao động nữ trong tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN.

- Nhóm tiêu chí về tuân thủ pháp luật của khu vực ĐTNN (1 chỉ tiêu): Tỷ lệ số vụ án hình sự liên quan đến tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN.

5 chỉ tiêu về môi trường

Chỉ tiêu về môi trường gồm 5 chỉ tiêu nhằm đánh giá tác động của dự án ĐTNN đối với môi trường và các biện pháp doanh nghiệp bảo vệ môi trường:

(1) Tỷ lệ tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng;

(2) Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN được cấp chứng nhận quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001;

(3) Tốc độ tăng số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN được cấp chứng nhận quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001;

(4) Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN chấp hành tốt quy định pháp luật về bảo vệ môi trường;

(5) Tỷ trọng phát thải khí nhà kính của các tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN trong tổng số cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/02/2025- Ảnh 3.

Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm.

Phê duyệt Đề án "Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm" 

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 20/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm" (Đề án).

Mục tiêu tổng quát Đề án nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của người cao tuổi; nhận thức, khát vọng của cán bộ, hội viên, người cao tuổi về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với việc người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm trong giai đoạn phát triển mới.

Phát huy tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm của người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng đóng góp quan trọng của người cao tuổi thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm; nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần; tiếp tục nêu gương sáng, giáo dục thế hệ trẻ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2025 – 2030, phấn đấu 90% cán bộ, hội viên, người cao tuổi được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm; phấn đấu 50% người cao tuổi thành thạo các kỹ năng số cơ bản, bao gồm: dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng và sử dụng các nền tảng số khác tùy theo đặc thù của địa phương.

Trồng ít nhất 100 triệu cây xanh, mỗi tỉnh có ít nhất 05 mô hình của người cao tuổi về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, 03 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.

Ít nhất 1.260 người cao tuổi được hỗ trợ khởi nghiệp, 500 mô hình người cao tuổi khởi nghiệp; ít nhất 100.000 người có việc làm thông qua các mô hình người cao tuổi khởi nghiệp.

Đến 2035, phấn đấu 100% cán bộ, hội viên, người cao tuổi được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm; phấn đấu 70% người cao tuổi thành thạo các kỹ năng số cơ bản, bao gồm: dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng và sử dụng các nền tảng số khác tùy theo đặc thù của địa phương…

Xây dựng thí điểm mô hình người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp, tạo việc làm

Để thực hiện được mục tiêu trên, Đề án đã đưa ra các giải pháp gồm: Truyền thông nâng cao nhận thức của người cao tuổi về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm; vai trò, vị thế đóng góp của người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm vì sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai Đề án và cán bộ, hội viên, người cao tuổi về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm.

Bên cạnh đó, xây dựng thí điểm mô hình về người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm; nghiên cứu khoa học và đề xuất chính sách hỗ trợ người cao tuổi; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện; theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án; tăng cường hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Đề án.

Trong đó, xây dựng thí điểm mô hình về người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm, Đề án nêu rõ, sẽ xây dựng mô hình người cao tuổi tham gia chuyển đổi số trong lao động sản xuất, quản lý, phát triển xã hội và trong các hoạt động Hội Người cao tuổi; xây dựng và hỗ trợ các điều kiện để xây dựng mô hình người cao tuổi tham gia chuyển đổi xanh trong lao động - sản xuất, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; hỗ trợ các điều kiện để xây dựng mô hình hộ gia đình trồng cây xanh và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, xây dựng mô hình người cao tuổi tham gia khởi nghiệp và tạo việc làm: rà soát, đánh giá, lựa chọn, củng cố, nâng cao chất lượng và hỗ trợ nguồn lực tạo điều kiện để duy trì, nhân rộng mô hình phù hợp hiện có và xây dựng mô hình mới tại cộng đồng.

Tổ chức thực hiện

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc triển khai thực hiện và hướng dẫn thực hiện Quyết định này; chủ trì thực hiện nhiệm vụ người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn theo quy định tại Quyết định này và pháp luật khác có liên quan; kiểm tra, tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nội dung nhiệm vụ (nếu cần thiết).

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện nhiệm vụ người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số theo quy định tại Quyết định này và pháp luật khác có liên quan.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện nhiệm vụ người cao tuổi tham gia đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp theo quy định tại Quyết định này và pháp luật khác có liên quan.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện nhiệm vụ người cao tuổi tham gia đẩy mạnh các hoạt động tạo việc làm theo quy định tại Quyết định này và pháp luật khác có liên quan.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, thực hiện nhiệm vụ người cao tuổi tham gia đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ, trồng cây xanh theo quy định tại Quyết định này và pháp luật khác có liên quan.

Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đã được phê duyệt tại Quyết định này; chỉ đạo, hướng dẫn Hội người cao tuổi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia góp ý xây dựng kế hoạch thực hiện của địa phương; xây dựng dự toán, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật có liên quan; vận động nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực từ các tổ chức quốc tế hỗ trợ các hoạt động của Đề án theo quy định của pháp luật…

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/02/2025- Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi)

Kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 20/2/2025 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Cụ thể, kiện toàn Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) là ông Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/02/2025- Ảnh 5.

Nghiên cứu xử lý thông tin ngành xi măng vẫn chưa thể giải quyết được bài toán cung - cầu.

Nghiên cứu xử lý thông tin ngành xi măng vẫn chưa thể giải quyết được bài toán cung - cầu

Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1436/VPCP-CN ngày 21/2/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xử lý thông tin báo nêu ngành xi măng vẫn chưa thể giải quyết được bài toán cung - cầu.

Văn bản nêu rõ: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có văn bản số 120/2025/TTĐT ngày 16/2/2025 gửi Thủ tướng Chính phủ về thông tin báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành; trong đó có nội dung "Ngành xi măng vẫn chưa thể giải quyết được bài toán cung - cầu".

Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp ngày 16/2 đưa tin, trong nhiều năm qua, nguồn xi măng ở thị trường trong nước luôn vượt cầu, cùng với đó là sự sụt giảm ở mảng xuất khẩu, khiến nhiều doanh nghiệp ngành xi măng vẫn chưa thể thoát ra khỏi "vòng xoáy" thua lỗ. Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2024, nguồn cung xi măng toàn quốc đạt khoảng 122 triệu tấn, trong khi, nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ đạt khoảng 60 triệu tấn, xuất khẩu giảm so với năm trước, dẫn đến dư thừa nguồn cung. Xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam được dự báo tăng trưởng chậm có thể duy trì ở mức tương đương so với năm 2024. Thị trường xuất khẩu đang dần dịch chuyển sang các thị trường mới như Mỹ, khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2025 khoảng 95 - 100 triệu tấn, tăng 2- 3% so với năm 2024. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60-65 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 30 - 35 triệu tấn.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao đồng chí Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nghiên cứu nội dung bài báo nêu trên để xử lý theo đúng quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thi hành kỷ luật nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 381/QĐ-TTg ngày 21/2/2025 về việc thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Đông, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam. Cụ thể, thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Nguyễn Xuân Đông, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam do đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác và đã bị thi hành kỷ luật đảng; thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 1876-QĐ/UBKTTW ngày 27/11/2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương./.