Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sản xuất, tiêu dùng bền vững, thương mại bền vững đáp ứng các chính sách xanh của Liên minh Châu Âu
Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tích cực, chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thương mại bền vững đáp ứng các chính sách xanh của Liên minh Châu Âu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 17/CĐ-TTg ngày 20/02/2025 về việc tích cực, chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thương mại bền vững đáp ứng các chính sách xanh của Liên minh Châu Âu.
Công điện gửi: Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội; Ngoại giao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch các Hiệp hội ngành hàng, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Tập đoàn.
Công điện nêu rõ:
Trong những năm gần đây, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) được đẩy mạnh góp phần thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 51,66 tỷ USD trong năm 2024, tăng 18,5% so với năm 2023 và là đối tác Việt Nam luôn đạt thặng dư thương mại cao. Với tác động tích cực có ý nghĩa của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), triển vọng xuất khẩu sang thị trường EU ngày càng lớn mạnh, kéo theo đó là triển vọng thu nhập gia tăng của hàng chục triệu lao động tham gia chuỗi sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, hướng đến nền kinh tế xanh, tuần hoàn tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đang đối mặt những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của EU. Năm 2020, Ủy ban Châu Âu đã thông qua Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% lượng phát thải ròng vào năm 2030 so với năm 1990 và đạt trung hòa các-bon vào năm 2050. Thỏa thuận xanh Châu Âu bao gồm các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, văn bản chính sách, pháp luật cụ thể với các nội dung, chính sách, quy định ngày càng chặt chẽ đối với sản phẩm nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững. Các thỏa thuận xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, song về lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường sản phẩm xanh, bền vững nhiều tiềm năng. Bởi vậy, việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phù hợp nhằm chủ động ứng phó và đáp ứng các chính sách xanh của EU là hết sức cấp thiết.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đẩy mạnh xuất khẩu và chuỗi bễn vững đáp ứng các quy định, chính sách xanh của EU và các cam kết phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và biến đổi khí hậu của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp chủ động tổ chức triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp đã được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, trong đó tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Bộ trưởng Bộ Công Thương:
a) Đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định, tiêu chuẩn phù hợp các cam kết, quy định, tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn; tập trung ưu tiên nghiên cứu các quy định, tiêu chuẩn liên quan kinh tế tuần hoàn, thiết kế sinh thái, quản lý hóa chất độc hại, quản lý chất thải và các quy định về hàm lượng tái chế đối với một số vật liệu đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế.
b) Tập trung hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi xanh nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững; áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu tái chế, năng lượng tái tạo; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp thiết kế đổi mới sản phẩm để có thể nâng cấp, sửa chữa, bảo trì, tái sử dụng và tái chế, kéo dài vòng đời sản phẩm; đẩy mạnh hỗ trợ áp dụng các công cụ đánh giá vòng đời sản phẩm, kiểm kê phát thải khí nhà kính nhằm đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định xanh của Liên minh Châu Âu.
c) Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; chú trọng nghiên cứu và phát triển các nguyên, nhiên vật liệu mới, tái chế, tái tạo; các hóa chất xanh, thân thiện môi trường nhằm tạo ra các sản phẩm bền vững.
d) Xây dựng, hỗ trợ các hoạt động chứng nhận, dán nhãn sinh thái đối với các sản phẩm bền vững đáp ứng yêu cầu thị trường và các quy định quốc tế; thúc đẩy xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ xanh nhằm kết nối cung cầu các sản phẩm bền vững, các sản phẩm được dán nhãn sinh thái; thúc đẩy liên kết bền vững giữa các bên trong chuỗi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia các chuỗi bền vững trong nước và toàn cầu.
đ) Nâng cao năng lực, đào tạo phổ biến các quy định chính sách pháp luật trong nước và quốc tế; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng báo cáo phát triển bền vững, thực hiện quản trị môi trường xã hội đáp ứng yêu cầu quốc tế về báo cáo thông tin liên quan đến môi trường, phát thải khí nhà kính, các quy định, thủ tục quốc tế về khai báo, thông tin về các yếu tố "xanh, bền vững, hữu cơ" của sản phẩm; các quy định về hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số.
e) Rà soát, nghiên cứu các chính sách xanh tại Thỏa thuận xanh Châu Âu để kịp thời phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp.
2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; tổ chức triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện và triển khai các chính sách, quy định về quản lý chất thải, các quy định thu hồi đối với các sản phẩm thải bỏ, hết hạn sử dụng; các quy định nhằm hạn chế loại bỏ chất thải độc hại trong các sản phẩm,…trong các lĩnh vực ngành chịu tác động lớn từ chính sách xanh của EU.
b) Đẩy mạnh tổ chức triển khai các chính sách, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất EPR, thúc đẩy áp dụng các giải pháp phân loại rác tại nguồn, tăng cường thu gom, thu hồi, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
c) Tăng cường triển khai các chính sách, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu, thúc đẩy áp dụng giải pháp phân loại rác tại nguồn, tăng cường thu gom, thu hồi, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành rà soát, xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng gắn yếu tố xanh, tuần hoàn, bền vững đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế theo thẩm quyền.
b) Chú trọng xây dựng và triển khai các nhiệm vụ nhằm thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới ứng dụng các công nghệ, sử dụng nguyên nhiên vật liệu mới, tái chế, tái tạo góp phần thúc đẩy thu hồi, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải.
4. Bộ trưởng Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ ngành khác:
a) Tập trung triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các văn bản chính sách pháp luật hiện hành về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
b) Chú trọng công tác rà soát, đánh giá các quy định, chính sách xanh của EU, các quốc gia và khu vực quốc tế trong các lĩnh vực ngành được giao nhằm kịp thời đề xuất các giải pháp, hành động hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định theo hướng gắn kết các yếu tố xanh bền vững; nguyên tắc về kinh tế tuần hoàn.
c) Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ, hoạt động liên quan thu hồi, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy phát triển các nguyên vật liệu, sản phẩm, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng tái tạo; sử dụng bền vững hiệu quả tài nguyên, các sản phẩm có thể nâng cấp, sửa chữa, bảo trì, tái sử dụng và tái chế.
d) Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định, chính sách xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong các lĩnh vực ngành thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của các Bộ.
đ) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các mô hình bền vững về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu đối với các sản phẩm bền vững, sản phẩm được dán nhãn sinh thái.
5. Bộ trưởng Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư:
a) Ưu tiên triển khai các giải pháp, bố trí và huy động nguồn lực phù hợp trong việc triển khai các chương trình, nhiệm vụ liên quan đến phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
b) Nghiên cứu, đánh giá các công cụ tài chính xanh của EU nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi xanh, thực hành sản xuất kinh doanh, thương mại và xuất khẩu bền vững đáp ứng các yêu cầu thực tiễn và quy định chính sách xanh, phát triển bền vững.
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Đẩy mạnh tổ chức triển khai các chính sách, kế hoạch hành động của địa phương về sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng trưởng xanh, trong đó ưu tiên triển khai các nhiệm vụ, hành động thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu, thu hồi, tái sử dụng tái chế chất thải, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đổi mới ứng dụng công nghệ, áp dụng các mô hình bền vững, tuần hoàn; tạo điều kiện phát triển các mô hình khu công nghiệp, cụm công nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi tuần hoàn nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết về ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, năng lượng, phát triển nguyên vật liệu tái chế, tái tạo.
b) Phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp trong việc triển khai các chính sách, đề án, chương trình, kế hoạch về kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
7. Chủ tịch các Hiệp hội ngành hàng, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Tập đoàn:
a) Các Hiệp hội ngành hàng chủ động cập nhật, nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thành viên trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu để đề xuất các cơ quan chức năng có các biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời; tổ chức phổ biến, cung cấp thông tin, kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức trong các hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các quy định chính sách xanh của EU.
b) Các Tập đoàn, Tổng công ty chú trọng xây dựng tiêu chí và nội dung về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược, kế hoạch và chính sách phát triển của doanh nghiệp; hợp tác với các Bộ, ngành địa phương xây dựng, triển khai các sáng kiến về kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh nhằm đáp ứng các yêu cầu thị trường và các quy định pháp luật hiện hành; chủ động lựa chọn, sử dụng công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn an toàn và thân thiện môi trường, góp phần sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, thúc đẩy sử dụng nguyên vật liệu tái chế, năng lượng tái tạo, hạn chế chất thải, hóa chất độc hại phát sinh, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; đào tạo nâng cao năng lực, khuyến khích các sáng kiến, phong trào thi đua nội bộ và thực hành sản xuất kinh doanh bền vững; tăng cường liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với các bên nhằm thúc đẩy chuỗi bền vững, tuần hoàn.
8. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chỉ đạo việc triển khai, đôn đốc, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện Công điện này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clanhke xi măng
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1297/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về về việc thực hiện Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/8/2024.
Bộ Xây dựng có văn bản số 351/BXD-VLXD ngày 21/1/2025 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thông tin báo nêu về nội dung "các nhà máy xi măng thua lỗ, có nguy cơ dừng sản xuất".
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay, tổng số dây chuyền sản xuất xi măng đã đầu tư trên toàn quốc là 92 dây chuyền, với tổng công suất 122,34 triệu tấn/năm. Năm 2024, tổng sản lượng xi măng, clanhke tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn, tăng khoảng 1% so với năm 2023; trong đó, xi măng tiêu thụ trong nước khoảng 65,3 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với năm 2023; xuất khẩu đạt khoảng 29,7 triệu tấn, giảm khoảng 5% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2023, giá trị xuất khẩu ước đạt 1,136 tỷ USD, giảm 14,2% về giá trị so với năm 2023.
Hiện nay, các dây chuyền sản xuất xi măng chỉ hoạt động trung bình khoảng 77% tổng công suất thiết kế. Có 34 dây chuyền phải dừng hoạt động sản xuất từ 1 đến 6 tháng, trong đó một số dây chuyền phải dừng cả năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng thua lỗ...
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện theo đúng Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clanhke xi măng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/02/2025.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam rà soát Quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định 1626/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 và Quy hoạch tỉnh Hà Nam tại Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 để thống nhất xử lý các vấn đề giao thoa, chồng lấn giữa các quy hoạch; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tăng cường kiểm tra vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến, đóng gói thực phẩm xuất khẩu
Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 1407/VPCP-NN ngày 20/2/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về thông tin báo chí phản ánh "Thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị EU cảnh báo".
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có văn bản số 115/2025/TTĐT ngày 14/2/2025 gửi Thủ tướng Chính phủ về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành; trong đó có nội dung: "Thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị EU cảnh báo".
Theo thông tin Diễn đàn doanh nghiệp đăng ngày 14/2/2025, nhiều loại thực phẩm liên tục bị EU cảnh báo, khiến Việt Nam rơi vào nguy cơ mất thị trường xuất khẩu tỷ USD nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời... Theo Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã không đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU.
Một số doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần từ thực phẩm mới, vi phạm quy trình phê duyệt của châu Âu. Nhiều trường hợp khai báo không trung thực về nguyên liệu, đặc biệt là các thành phần có thể gây dị ứng cho người tiêu dùng, làm dấy lên mối lo ngại lớn về minh bạch và an toàn thực phẩm. Nghiêm trọng hơn, một số sản phẩm chứa phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt mức quy định, khiến EU buộc phải ra lệnh thu hồi ngay lập tức. Nhiều lô hàng có thành phần từ động vật nhưng lại không thực hiện kiểm dịch thú y tại cửa khẩu, vi phạm trực tiếp các quy định an toàn sinh học của EU. Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nhận định, sản phẩm từ Việt Nam có thể nằm trong danh mục rủi ro cao, dẫn đến tỷ lệ kiểm tra cao hơn.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao khẩn trương chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp nhằm tăng cường thông tin, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm xuất khẩu thường xuyên cập nhật và thực hiện đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường xuất khẩu; tăng cường kiểm tra, giám sát vùng nguyên liệu, các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói nhằm đảm bảo đáp ứng quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật, tránh tình trạng bị cảnh báo về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu nông sản, thực phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Việt Nam có tiềm năng lớn, thậm chí có thể vượt qua Singapore và Malaysia về thanh toán kỹ thuật số
Văn phòng Chính phủ ban hành công văn số 1379/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về việc thông tin, báo chí phản ánh và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành.
Cụ thể, Báo cáo số 104/2025/TTĐT ngày 11/02/2025 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó tại trang 2 có nội dung về: Ông Safdar Khan, Chủ tịch Khu vực Đông Nam Á của Mastercard nhận định về triển vọng phát triển của thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam.
Theo đó, cho biết toàn thị trường Việt Nam hiện có 554.580 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ này, Việt Nam đã vượt Philippines, Thái Lan, Singapore và Indonesia, trở thành quốc gia có tỷ lệ chuyển đổi số sang thanh toán kỹ thuật số cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam có tiềm năng lớn, thậm chí có thể vượt qua Singapore và Malaysia về thanh toán kỹ thuật số.
Ông Safdar Khan cũng cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng về số người có tài khoản ngân hàng. Việt Nam đang trên đà tiến tới một xã hội không tiền mặt.
Về việc này, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc có ý kiến chỉ đạo như sau:
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính nghiên cứu thông tin báo chí theo tổng hợp của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán kỹ thuật số trên phạm vi toàn quốc.
Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, đề xuất nội dung chương trình, kịch bản, thành phần, tài liệu… để tổ chức trước ngày 28/02/2025 Hội nghị toàn quốc về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán kỹ thuật số, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 23/02/2025./.