Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2025/NĐ-CP ngày 14/1/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước.
Trong đó, Nghị định số 14/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 7 của Nghị định số 24/2016/NĐ-CP về sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi.
Theo quy định mới, Ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được sử dụng theo thứ tự ưu tiên sau:
a) Cho ngân sách trung ương tạm ứng, vay.
b) Cho ngân sách địa phương cấp tỉnh tạm ứng, vay.
c) Mua bán lại trái phiếu Chính phủ.
d) Gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại.
Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định hạn mức cụ thể cho từng nội dung sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi theo thứ tự ưu tiên trên tại phương án điều hành ngân quỹ nhà nước quý.
Ngoài ra, Nghị định số 14/2025/NĐ-CP cũng quy định rõ hơn về việc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để: cho ngân sách trung ương tạm ứng, vay; cho ngân sách địa phương cấp tỉnh tạm ứng, vay; mua bán lại trái phiếu Chính phủ; gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại.
Mức lãi suất áp dụng đối với các khoản tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách trung ương là 0%/năm
Cụ thể, việc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách trung ương tạm ứng, vay được quy định như sau:
a) Ngân quỹ nhà nước được sử dụng cho ngân sách trung ương tạm ứng để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách trung ương; cho ngân sách trung ương vay để bù đắp bội chi và trả nợ gốc của ngân sách trung ương.
b) Thời hạn cho ngân sách trung ương tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước không quá 12 tháng, trừ trường hợp được gia hạn theo quy định tại điểm c khoản này.
c) Các khoản tạm ứng ngân quỹ nhà nước của ngân sách trung ương phải hoàn trả trong năm ngân sách. Bộ Tài chính quyết định việc cho ngân sách trung ương tạm ứng ngân quỹ nhà nước, phù hợp với khả năng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại thời điểm xem xét, quyết định cho ngân sách trung ương tạm ứng ngân quỹ nhà nước.
Các khoản vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách trung ương phải hoàn trả đúng hạn. Trong trường hợp ngân sách trung ương không bố trí được nguồn trả nợ khoản vay ngân quỹ nhà nước thì được gia hạn khoản vay ngân quỹ nhà nước. Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định và kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, Bộ Tài chính thực hiện cho ngân sách trung ương vay, gia hạn khoản vay ngân quỹ nhà nước, bảo đảm trong phạm vi dự toán, kế hoạch đã được phê duyệt và phù hợp với khả năng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi.
d) Mức lãi suất áp dụng đối với các khoản tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách trung ương là 0%/năm.
Việc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách địa phương cấp tỉnh tạm ứng, vay, Nghị định quy định:
a) Ngân quỹ nhà nước được sử dụng cho ngân sách địa phương cấp tỉnh tạm ứng để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách địa phương cấp tỉnh; cho ngân sách địa phương cấp tỉnh vay để bù đắp bội chi và trả nợ gốc của ngân sách địa phương cấp tỉnh.
b) Ngân sách địa phương cấp tỉnh được tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước phải đáp ứng các điều kiện sau:
Đáp ứng các điều kiện tạm ứng, vay của ngân sách địa phương cấp tỉnh theo quy định tại Điều 58 Luật Ngân sách nhà nước, Điều 52 Luật Quản lý nợ công, các Nghị định hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với từng địa phương cụ thể.
Trường hợp tạm ứng ngân quỹ nhà nước, mức đề nghị tạm ứng ngân quỹ nhà nước không được vượt quá số dư còn lại của dự toán chi ngân sách địa phương cấp tỉnh đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm đề nghị tạm ứng; đồng thời, việc đề nghị tạm ứng ngân quỹ nhà nước phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Không có dư nợ tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước (gốc, lãi) quá hạn tại thời điểm đề nghị tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước.
Cam kết trả nợ tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước đầy đủ, đúng hạn; cho phép Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh được chủ động trích tồn quỹ ngân sách địa phương cấp tỉnh để thu hồi khoản tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước quá hạn hoàn trả.
c) Các khoản tạm ứng ngân quỹ nhà nước của ngân sách địa phương cấp tỉnh phải hoàn trả trong năm ngân sách. Bộ Tài chính quyết định việc cho ngân sách địa phương cấp tỉnh tạm ứng ngân quỹ nhà nước, phù hợp với khả năng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại thời điểm xem xét, quyết định cho ngân sách địa phương cấp tỉnh tạm ứng ngân quỹ nhà nước.
Các khoản vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách địa phương cấp tỉnh phải hoàn trả đúng hạn trong năm ngân sách và không được gia hạn. Căn cứ dự toán ngân sách địa phương, tổng mức vay hằng năm được Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, Bộ Tài chính xem xét, quyết định cho ngân sách địa phương cấp tỉnh vay ngân quỹ nhà nước, phù hợp với khả năng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại thời điểm xem xét, quyết định cho ngân sách địa phương cấp tỉnh vay ngân quỹ nhà nước.
d) Mức lãi suất áp dụng đối với các khoản tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách địa phương cấp tỉnh là 0%/năm.
Nghị định quy định việc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua bán lại trái phiếu Chính phủ như sau:
a) Trái phiếu Chính phủ được chấp nhận trong giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ là trái phiếu Chính phủ bằng đồng Việt Nam do Kho bạc Nhà nước phát hành và đang được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán.
b) Kỳ hạn mua bán lại trái phiếu Chính phủ bao gồm kỳ hạn 07 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 01 tháng, 02 tháng và 03 tháng.
c) Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh lãi suất.
d) Bộ Tài chính xác định tỷ lệ phòng vệ rủi ro, đối tác giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ từ nguồn ngân quỹ nhà nước trong danh sách thành viên giao dịch trái phiếu Chính phủ qua Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
đ) Căn cứ phương án điều hành ngân quỹ nhà nước đã được Bộ Tài chính phê duyệt theo quy định tại Điều 5 Nghị định này, Kho bạc Nhà nước thực hiện giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ, đảm bảo nguyên tắc an toàn, công khai và minh bạch.
Đối với sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại, Nghị định quy định:
a) Ngân quỹ nhà nước được gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và vốn doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ, có chất lượng tốt, mức độ an toàn cao theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Căn cứ danh sách các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và vốn doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ, có chất lượng tốt, mức độ an toàn cao do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp, Bộ Tài chính quyết định các ngân hàng thương mại được nhận tiền gửi có kỳ hạn từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi, đảm bảo an toàn ngân quỹ nhà nước.
b) Thời hạn gửi ngân quỹ nhà nước tại ngân hàng thương mại bao gồm 01 tháng, 02 tháng và 03 tháng.
c) Việc gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tại ngân hàng thương mại được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh lãi suất.
d) Căn cứ phương án điều hành ngân quỹ nhà nước đã được Bộ Tài chính phê duyệt theo quy định tại Điều 5 Nghị định này, Kho bạc Nhà nước thực hiện giao dịch gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tại ngân hàng thương mại, đảm bảo nguyên tắc an toàn, công khai và minh bạch.
Nghị định số 14/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/3/2025.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 25/1/2025 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên phạm vi cả nước; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, Nhân dân trong việc thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Nội dung của Kế hoạch gồm: Biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đồng thời, thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức kiểm tra việc thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 25/1/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 09km trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Thông báo nêu: Tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về việc tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 09km trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kết luận: Theo quy định của pháp luật, các đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đều thuộc thẩm quyền xử lý của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.
Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tiếp thu ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tư pháp tại cuộc họp; khẩn trương chủ động xử lý dứt điểm vướng mắc của Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 09km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký, không để xảy ra thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng quy hoạch, kết nối đồng bộ, phát huy hiệu quả toàn tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.
Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tư pháp kịp thời hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng trong quá trình triển khai (nếu địa phương đề nghị).
Tại văn bản số 93/TTg-CN, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bổ sung Cảng hàng không Gia Bình vào quy hoạch theo trình tự rút gọn như đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương lập bổ sung và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch, bảo đảm tiến độ hoàn thành đầu tư giai đoạn 2 Cảng hàng không Gia Bình theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 562/TB-VPCP ngày 18/12/2024 của Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Giao Bộ Giao thông vận tải quyết định việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đúng quy trình, thủ tục và quy định để xem xét, bổ sung cảng cạn tại Cảng hàng không Gia Bình, bảo đảm đồng bộ với tiến độ triển khai Cảng hàng không Gia Bình./.