Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật
Tại Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 4/5/2025, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật do Bộ Tư pháp trình.
Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm các yêu cầu sau:
- Thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương của Đảng về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước tại Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị, các chủ trương về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bảo đảm tính hợp Hiến, tính khả thi của các cơ chế, chính sách được quy định trong dự thảo Nghị quyết.
- Quán triệt tinh thần đổi mới tư duy, cơ chế, chính sách gắn với tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về việc tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết này, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.
Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức liên quan, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Huy động tối đa nguồn lực cho các dự án đường sắt.
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 213/TB-VPCP ngày 4/5/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.
Thông báo nêu: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã xem xét, thông qua chủ trương về các đề nghị của Chính phủ liên quan phát triển ngành đường sắt, bao gồm: nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; tiếp tục triển khai các tuyến đường sắt dừng, giãn tiến độ; triển khai các dự án đường sắt quy mô lớn, như đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và các tuyến đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Để hiện thực hóa chủ trương đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đề ra, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; số 187/2025/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; số 188/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã giao 24 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, về cơ bản các nhiệm vụ đã được thực hiện bảo đảm tiến độ, riêng đối với dự thảo Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 188/2025/QH15, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh triển khai còn chậm. Thủ tướng ghi nhận kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao; hoan nghênh Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, UBND thành phố Hải Phòng đã chủ động triển khai các nhiệm vụ và thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ. Đồng thời, biểu dương, đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ về tài liệu, báo cáo của Bộ Xây dựng tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo trong điều kiện Bộ Xây dựng đang triển khai nhiều việc, thời gian chuẩn bị ngắn.
Nhiệm vụ trong thời gian tới là hết sức nặng nề, tiến độ yêu cầu rất gấp, đặc biệt là các nhiệm vụ của Bộ Xây dựng. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần tiếp tục huy động tối đa nguồn lực cho các dự án đường sắt; rà soát tăng cường đội ngũ nhân lực (cơ quan quản lý nhà nước các cấp, ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn…), trong đó tiếp tục tập trung các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực, đa dạng các nguồn vốn (gồm: vốn Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp, hợp tác công tư…); kịp thời báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung, cập nhật các cơ chế chính sách đặc thù phù hợp để tăng cường phân cấp, cắt giảm thủ tục đầu tư; phát triển công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ đường sắt phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Thứ hai, tập trung triển khai đồng bộ các dự án đường sắt trọng điểm như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, các tuyến đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; khẩn trương giải quyết nhanh chóng các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư…, trong đó ưu tiên lựa chọn hướng tuyến của các dự án đường sắt trên nguyên tắc "ngắn nhất, thẳng nhất có thể; qua núi làm hầm; qua sông bắc cầu".
Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng và hiệu quả vận hành; tiếp cận, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt (như mô hình thông tin công trình - BIM…); đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành hệ thống đường sắt hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài (cần có kế hoạch đào tạo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn ở các trình độ công nhân kỹ thuật, kỹ sư, tiến sĩ…); phải huy động các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân có năng lực công nghệ và sản xuất tham gia các dự án và phát triển công nghiệp đường sắt; phải tiếp nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ hiện đại, quản trị khoa học, thông minh để phát triển công nghiệp đường sắt, phục vụ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đảm bảo mục tiêu triển khai đồng bộ các dự án đường sắt
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần "thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa", phát huy tinh thần trách nhiệm, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền", "nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn", triển khai công việc nhanh, quyết liệt, quyết đoán, tạo động lực, truyền cảm hứng làm việc. Các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động, tích cực, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực đảm bảo mục tiêu triển khai đồng bộ các dự án đường sắt; bảo đảm kế hoạch khởi công tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào cuối năm 2025 và khởi công dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào cuối năm 2026. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan, đơn vị, các Ban quản lý dự án tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp thu, hoàn thiện Nghị quyết thí điểm về các cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt trong đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt; gửi Bộ Tư pháp thẩm định; đảm bảo tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV xem xét trong ngày 5/5/2025; tập trung xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm doanh nghiệp tư nhân) và Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; phấn đấu chậm nhất trước ngày 15/6/2025.
Đồng thời, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện trong tháng 6/2025; chủ trì, phối hợp với các bộ, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT và cơ quan liên quan để lựa chọn phương án triển khai phù hợp trong việc giao doanh nghiệp tiếp nhận, chuyển giao công nghệ về thông tin tín hiệu ngành đường sắt phục vụ các dự án đường sắt; hoàn thành trong tháng 6/2025.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và UBND Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội, hoàn thành trước ngày 15/5/2025; chủ trì xây dựng, ban hành đầy đủ hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn áp dụng cho các dự án đường sắt (hoàn thành trong tháng 5/2025).
Bộ Tài chính rà soát nguồn tiết kiệm chi thường xuyên của trung ương, địa phương năm 2025 để ưu tiên bố trí thực hiện các dự án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2025; tiếp tục chỉ đạo, tổ chức lập Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hoàn thành trong tháng 6/2025.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương xây dựng Nghị định quy định việc tạm sử dụng rừng và hoàn trả rừng để thực hiện thi công công trình tạm phục vụ dự án, hoàn thành trong tháng 6/2025.
Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định quy định phát triển khoa học, công nghệ đường sắt và quy định chi tiết về việc nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ theo trình tự, thủ tục rút gọn; hoàn thành trong tháng 5/2025; phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng, ban hành đầy đủ hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn áp dụng cho các dự án đường sắt (hoàn thành trong tháng 5/2025).
Bộ Công Thương hoàn thành Đề án phát triển công nghiệp đường sắt, trình Chính phủ ban hành trong tháng 6/2025; chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát, hướng dẫn Chủ đầu tư về cung cấp điện nguồn, hệ thống điện của các dự án đường sắt điện khí hoá; đồng thời tiếp tục rà soát nhu cầu điện đảm bảo cung cấp cho các dự án đường sắt; hoàn thành trong tháng 6/2025.
Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội và UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện nội dung Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 188/2025/QH15 gửi Bộ Xây dựng tổng hợp trình Chính phủ, trình Chính phủ trước ngày 15/5/2025.
Trên cơ sở các nhiệm vụ đã được phân cấp, uỷ quyền chủ động triển khai thực hiện các công việc để triển khai các dự án đường sắt đô thị, trường hợp gặp vướng mắc chưa có quy định, cơ chế đặc thù, đặc biệt, khẩn trương xin ý kiến hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan để tiếp tục triển khai các dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Các địa phương có dự án đi qua chủ trì tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (Bí thư Tỉnh uỷ, Thành ủy làm Trưởng Ban) và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo: dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hoàn thành trong ngày 05/5/2025, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hoàn thành trước ngày 01/7/2025. Yêu cầu Bộ Xây dựng giao Ban Quản lý dự án Đường sắt cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo của các địa phương; khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện và ứng vốn ngân sách địa phương để triển khai xây dựng các khu tái định cư; thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo chủ trương dự án, xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án không phải lập chủ trương đầu tư (đáp ứng tiến độ các Dự án).
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai thủ tục giao đất Tổ hợp công nghiệp đường sắt phục vụ các dự án đường sắt theo quy định; phối hợp với Bộ Xây dựng trong quá trình xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp và Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt, xác định rõ những công việc Tổng công ty có thể đảm nhận phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt.
Thủ tướng cũng có ý kiến chỉ đạo đối với một số dự án đường sắt trọng tâm. Cụ thể:
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 187/2025/QH15 của Quốc hội, trình Chính phủ trong ngày 5/5/2025.
Chủ trì làm việc với các địa phương thống nhất quy mô, hướng tuyến của Dự án trong tháng 5/2025 làm cơ sở triển khai công tác giải phóng mặt bằng, khảo sát, thiết kế lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án; khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để đảm bảo khởi công dự án vào tháng 12/2025.
Các địa phương khẩn trương triển khai công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo hoàn thành trong năm 2025.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội XV (trình Chính phủ trong ngày 5/5/2025).
Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ kế hoạch đã được Chính phủ chấp thuận tại Nghị quyết 106/NQ-CP để tổ chức triển khai đáp ứng tiến độ khởi công dự án vào cuối năm 2026.
Các tuyến đường sắt đô thị
Đối với tuyến số 3 (Hà Nội - Yên Sở), Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tại Công văn số 2719/VPCP-QHQT ngày 01/4/2025, hoàn thiện Hồ sơ đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận đề xuất sử dụng vốn ODA/vốn vay ưu đãi theo kiến nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, hoàn thành trong ngày 5/5/2025.
Đối với tuyến số 2 (TP. Hồ Chí Minh - Tham Lương), UBND thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Quyết định theo văn bản số 3084/VPCP-QHQT ngày 11/4/2025 về việc dừng sử dụng vốn ODA, chuyển sang nguồn vốn đầu tư công, trình Thủ tướng Chính phủ trong ngày 5/5/2025.
Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương phối hợp với Bộ Xây dựng để hoàn thiện Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết 188/2025/QH15.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai các nhiệm vụ được giao nêu trên; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Triển khai thi hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 862/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Kế hoạch).
Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thi hành Pháp lệnh, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động triển khai thi hành Pháp lệnh trên phạm vi cả nước. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc thi hành Pháp lệnh.
Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật liên quan đến quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Theo Kế hoạch, các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành, liên tịch ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, gửi kết quả rà soát về Bộ Quốc phòng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thời gian hoàn trành trước ngày 19/5/2025.
Trước ngày 19/5/2025, UBND thành phố Hà Nội chủ trì và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương liên quan rà soát, hệ thống văn bản do mình ban hành; ban hành các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ Quốc phòng tổng hợp.
Xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành của Pháp lệnh
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (khoản 5 Điều 14, khoản 5 Điều 17, khoản 2 Điều 18, khoản 2 Điều 26, khoản 3 Điều 31); ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn. Thời gian trình trước ngày 10/5/2025.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành các Thông tư: Thông tư quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng (khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 13, khoản 2 Điều 16, khoản 2 Điều 29); Thông tư quy định về nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc gia (khoản 3 Điều 19). Thời gian trình trước ngày 10/5/2025.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan biên soạn tài liệu phục vụ tuyên truyền, phổ biến nội dung của Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh.
Trong 6 tháng cuối năm 2025, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn có các công trình, khu vực thuộc Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị (trực tiếp và trực tuyến) quán triệt, phổ biến Pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng bộ với mô hình chính quyền địa phương 02 cấp- Ảnh 1.Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng bộ với mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Phó Trưởng Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Chính phủ ký văn bản số 48/CV-BCĐTKNQ18 về việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và triển khai mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.
Văn bản nêu: Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Văn bản số 13078-CV/VPTW ngày 14/1/2025 của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương, được thể chế hóa tại khoản 2 Điều 32 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025, khoản 1 Điều 50 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 608/QĐ-TTg ngày 15/3/2025 về kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời, căn cứ Kế hoạch số 47-KH/BCĐ ngày 14/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 02 cấp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 758/QĐ-TTg, Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025, trong đó đã xác định các nội dung nhiệm vụ, giải pháp và giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Để tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tại các Kế hoạch nêu trên, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên, cấp bách, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nội dung sau:
1- Xác định rõ các vấn đề ưu tiên, cấp bách của các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; rà soát tổng thể hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan; xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để điều chỉnh kịp thời thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, chính quyền địa phương theo yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng bộ với việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, tạo hành lang pháp lý, kịp thời xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ "điểm nghẽn" về thể chế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 192/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
2- Bám sát các nội dung yêu cầu nhiệm vụ tại Quyết định số 608/QĐ-TTg ngày 15/3/2025, Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 14/4/2025, Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, hướng dẫn để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nhiệm vụ triển khai xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.
3- Một số yêu cầu chung khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
a) Quán triệt tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo yêu cầu của Tổng Bí thư và quan điểm đẩy mạnh phân quyền, phân cấp tạo sự chủ động cho địa phương theo tinh thần: "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" gắn với việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.
b) Đối với những vấn đề xác định thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần làm rõ cơ sở đề xuất bảo đảm những vấn đề này là những vấn đề cơ bản, quan trọng của Quốc gia, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.
c) Căn cứ nguyên tắc phân định thẩm quyền tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, yêu cầu: (1) Không quy định tên bộ, ngành và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của bộ, ngành vào trong Luật (không phân quyền trực tiếp cho các Bộ trưởng tại Luật bảo đảm Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực, thực hiện phân công phạm vi quản lý nhà nước cho các bộ, cơ quan ngang bộ; (2) Xác định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đối với ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, tránh đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ (Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ, không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công quản lý).
Kết quả triển khai thực hiện gửi Bộ Nội vụ (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) định kỳ trước ngày 20 hàng tháng để theo dõi, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định./.