Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính sách tài khóa toàn diện, kịp thời hỗ trợ nền kinh tế
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham gia của khoảng 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và thành phần khác liên quan; nhà khoa học, chuyên gia kinh tế-tài chính trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế (IMF, WB, GIZ, ADB, UNICEF…).
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu đề ra, Chiến lược đã đưa ra đột phá về hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế tài chính; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính.
Trong 2 năm qua, Bộ Tài chính luôn quan tâm, chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính-ngân sách Nhà nước nhằm huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, góp phần củng cố các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội.
Ngay trong những năm đầu thực hiện Chiến lược, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp chính sách về tài chính-ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách nhà nước khác với tổng số tiền hỗ trợ năm 2021 khoảng 140.000 tỷ đồng và 10 tháng năm 2022 khoảng 144.500 tỷ đồng để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục giảm 32.000 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để ổn định giá xăng, dầu, giảm chi phí cho doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội.
Về chi ngân sách nhà nước: Ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân. Bộ Tài chính cũng đã tham mưu Chính phủ thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhằm huy động các nguồn lực tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước...
"Các giải pháp chính sách tài chính-ngân sách nhà nước được áp dụng trong năm 2021 và đặc biệt trong các năm 2022-2023 theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội khá toàn diện, kịp thời. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,83%. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023; trong đó, dự báo về tăng trưởng GDP năm 2022 hầu hết ở mức từ 7,5-8,2%." Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam và Lào, cho rằng Việt Nam đã phục hồi, kinh tế tăng trưởng mạnh sau đại dịch, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng. Tuy nhiên sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu đang chậm lại, các đơn đặt hàng cũng đang giảm.
Ông Francois Painchaud kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần có những giải pháp thận trọng, phối hợp và truyền thông để quản lý rủi ro. Chính sách tiền tệ phải tập trung ổn định giá và giảm áp lực lạm phát.
"Ổn định tài chính vẫn là mục tiêu phải ưu tiên trong thời gian tới, đặc biệt liên quan đến thị trường trái phiếu và bất động sản. Để duy trì đà tăng trưởng trong trung hạn, Việt Nam cần có nỗ lực, quyết tâm trong hành động đảm bảo phát triển bền vững và bao trùm", ông Francois Painchaud bày tỏ.
Theo ông Werner Gruber, Trưởng Đại diện Cơ quan hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam, phân cấp tài khóa là cần thiết để nâng cao hiệu suất hiệu quả và khả năng chống chịu của chính sách tài khóa; hiệu suất chi tiêu công, đầu tư công; huy động tốt hơn từ khu vực tư nhân.
Trưởng Đại diện Cơ quan hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam cho rằng, thời gian tới cần huy động các nguồn vốn tư nhân để đầu tư cho cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh hơn nữa việc công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình để phân bổ hiệu quả nguồn lực cho phát triển; đánh giá các rủi ro về chính sách tài khóa.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn, biến động của thị trường… chỉ có 34% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.
Lần đầu tiên có 16,59% doanh nghiệp báo cáo dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp. Đây là mức cao nhất trong lịch sử 15 năm tiến hành đánh giá, xếp hạng PCI.
Theo ông Tuấn, nhóm chính sách tài khóa (giảm thuế, phí) có hiệu ứng thực tiễn tốt, tác động nhanh, diện doanh nghiệp tiếp cận rộng nhất.
"Nghiên cứu của VCCI thực hiện từ năm 2019 đến nay cho thấy, mâu thuẫn nhiều nhất liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư tập trung tại các Luật Đầu tư, Luật Đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản… thời gian tới, cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới cách thức quản lý, chuyển sang hậu kiểm, quản lý rủi ro", ông Đậu Anh Tuấn đề xuất.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), cho biết, thời gian tới Bộ Tài chính tiếp tục cơ cấu lại thu-chi ngân sách nhà nước.
Về thu ngân sách nhà nước, rà soát lại các chính sách thuế, bảo đảm công khai, minh bạch, giảm bớt ưu đãi, tránh lồng ghép các chính sách xã hội trong chính sách thuế. Về chi ngân sách nhà nước, tiếp tục cơ cấu lại, tập trung chi cho an sinh xã hội và con người.
"Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các chính sách về tài chính-ngân sách nhà nước, tập trung cho đầu tư công, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội", ông Nguyễn Minh Tân cho hay.
Minh Trang