Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Những ngày cuối tháng 8/2024, về thăm hộ ông Ksor Hyũ, dân tộc Gia Rai ở làng Plei Tong Will, thị trấn Nhơn Hòa. Ông cho biết, trước đây gia đình ông là hộ nghèo.
Năm 2018, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện cho gia đình vay 30 triệu đồng để đầu tư trồng 300 cây cà phê. Đến năm 2022, cà phê cho thu hoạch, có thu nhập và trả hết nợ vay. Năm 2023, gia đình tiếp tục vay 50 triệu đồng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, đầu tư mua 4 con bò để chăn nuôi.
Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH nên bảo đảm việc làm ổn định, tạo thu nhập nâng cao cuộc sống. Ông xúc động: "Cảm ơn Đảng, Chính phủ đã lo cho người nghèo như chúng tôi. Tôi mong muốn NHCSXH có nhiều chính sách tín dụng ưu đãi cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay để thoát nghèo bền vững".
Còn gia đình bà Rmah H Anit ở cùng làng với ông Ksor Hyũ hào hứng kể về hành trình thoát nghèo, làm giàu của gia đình: "Năm 2020, tôi được vay 50 triệu đồng đầu tư trồng 550 cây cà phê. Đến cuối năm 2022 cà phê bắt đầu cho thu hoạch; từ nguồn thu cà phê, gia đình đã đầu tư mua thêm 2 con bò. Hiện nay gia đình kinh tế đã ổn định. Cuộc sống khá lên từ nguồn vốn ngân hàng".
Ông Nguyễn Khắc Lê, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Chư Pưh dẫn chúng tôi thăm một số mô hình phát triển kinh tế gia đình từ nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS). Ông cho biết, hàng trăm hộ gia đình trong huyện đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ đồng vốn nhân văn.
Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" (gọi tắt là Chỉ thị 40) ở Chư Pưh, được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, dòng vốn TDCS đã phát huy tác dụng tích cực, trở thành "trợ lực" quan trọng, trụ cột giảm nghèo bền vững, đồng hành với những người nông dân cần cù, có ý chí vươn lên có vốn để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, làm giàu trên vùng quê cách mạng.
Đến hết tháng 8/2024, dư nợ TDCS đạt 398,652 tỷ đồng với 17 chương trình tín dụng. Nguồn vốn TDCS đã đến với 100% các thôn, làng, được thực hiện giải ngân đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn đã giúp 30.729 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, đầu tư sản xuất, kinh doanh; giải quyết và tạo việc làm mới cho trên 2.638 lao động; 485 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng và sửa chữa 14.638 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng và sửa chữa 12 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ "Về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015"; 113 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ "Về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030"; giúp 5 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Kể từ khi thực hiện Chỉ thị 40 đến nay, dù là huyện còn nghèo nhưng hằng năm, UBND huyện luôn quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách qua NHCSXH huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, năm sau cao hơn năm trước, lũy kế đến nay là 9,448 tỷ đồng.
Phòng giao dịch NHCSXH huyện tập trung giải ngân, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao hằng năm. Tăng trưởng tín dụng từ năm 2014 đến nay đạt 170%, doanh số cho vay đạt 911, 432 tỷ đồng với 30.729 lượt hộ vay vốn.
Dấu ấn nổi bật là hoạt động của Phòng giao dịch NHCSXH ở huyện Chư Pưh luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ Đảng, chính quyền, góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng và nhiệm vụ chính trị hằng năm. Đồng vốn chính sách đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích. Do đó trong nhiều năm qua, Chư Pưh luôn có tỉ lệ nợ quá hạn thấp nhất, chất lượng tín dụng cao.
Từ "đòn bẩy" của nguồn vốn TDCS cùng với các chương trình khác đã góp phần làm giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện. Đến cuối năm 2023, Chư Pưh giảm còn 9,43% hộ nghèo, trong đó 16,48% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đời sống người dân ở khu vực nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm. Đến nay, huyện Chư Pưh có 6/8 xã và 10 thôn, làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện cho biết: Xác định giảm nghèo bền vững cho bà con các dân tộc luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt mà Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị đặt ra, xem đó là trách nhiệm, đồng thời đưa vùng đất Chư Pưh từng bước thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Chư Pưh Nguyễn Khắc Lê nêu quyết tâm, thời gian tới, Phòng giao dịch huyện tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động TDCS trên địa bàn, bảo đảm 100% người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu đều được vay vốn.
Triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi mới của Chính phủ. Đặc biệt, đơn vị chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, đạo đức nghề nghiệp tốt, có phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát dân với phương châm "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ".
Nguyễn Văn Chiến