Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Ông Song có tổng thời gian tham gia đóng BHXH là 28 năm. Vậy, trường hợp của ông Song được hưởng lương hưu như thế nào?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Song hỏi như sau:
Theo quy định tại Thông tư số 33/2012/TT-BLĐTBXH ngày 20/12/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần thì, sau khi có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp chỉ đạo Tổ giúp việc lập phương án sử dụng lao động (trong phương án cổ phần hóa), trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Phương án sử dụng lao động được xây dựng theo 4 bước, trong đó, bước lập danh sách số lao động sẽ nghỉ việc tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp, bao gồm:
- Danh sách lao động đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp.
- Danh sách lao động chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp (gồm các trường hợp hết hạn HĐLĐ; tự nguyện chấm dứt HĐLĐ hoặc chấm dứt HĐLĐ vì các lý do khác theo quy định của pháp luật lao động).
- Danh sách lao động không bố trí được việc làm ở công ty cổ phần tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp, gồm danh sách lao động dôi dư theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 91/2010/NĐ-CP (áp dụng đối với người lao động được tuyển dụng lần cuối cùng vào công ty TNHH MTV trước ngày 21/4/1998); danh sách lao động phải chấm dứt HĐLĐ và trả trợ cấp mất việc làm theo quy định của pháp luật lao động.
Chế độ đối với người lao động phải chấm dứt HĐLĐ
Theo khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 4 Thông tư số 33/2012/TT-BLĐTBXH, căn cứ phương án sử dụng lao động đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện giải quyết các chế độ, chính sách đối với người lao động như chính sách mua cổ phần với giá ưu đãi, chính sách mua thêm cổ phần với giá ưu đãi, chế độ hưu trí, chế độ trợ cấp thôi việc, chế độ đối với lao động dôi dư và chia số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi.
Đồng thời, khoản 6, khoản 7 Điều này quy định, người lao động quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư này thuộc đối tượng của Nghị định số 91/2010/NĐ-CP thì giải quyết theo quy định tại Nghị định số 91/2010/NĐ-CP và Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH ngày 24/12/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Người lao động quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư này không thuộc đối tượng của Nghị định số 91/2010/NĐ-CP thì giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm (nếu có) theo quy định của Bộ luật Lao động. Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Chế độ đối với lao động dôi dư, chế độ trợ cấp mất việc làm quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều này, từ ngày 1/5/2013 được tính theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Theo đó, người lao động được tuyển dụng lần cuối cùng vào công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu trước ngày 21/4/1998 (thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước) thì khi công ty này cổ phần hóa, được áp dụng chính sách đối với người lao động dôi dư trong công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu theo quy định tại khoản 1 Điều 1 và điểm a, khoản 1 Điều 2 Nghị định số 91/2010/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH.
Có thể chờ đủ tuổi để hưởng chế độ hưu
Trường hợp ông Nguyễn Song được tuyển dụng lần cuối cùng vào công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu là tháng 4/2003, nên khi công ty này cổ phần hóa ông Song không thuộc đối tượng áp dụng chính sách quy định tại Nghị định số 91/2010/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH.
Theo luật sư, ông Song thuộc danh sách lao động phải chấm dứt HĐLĐ và trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 3 và là đối tượng áp dụng chính sách mất việc làm quy định tại khoản 7 Điều 4 Thông tư số 33/2012/TT-BLĐTBXH.
Căn cứ Điều 49 Bộ Luật Lao động năm 2012, ông Song được trả trợ cấp mất việc làm, cứ mỗi năm làm việc được trả 1 tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian ông Song đã làm việc thực tế trong khu vực Nhà nước, trừ đi thời gian ông Song đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2009 đến nay và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc (nếu có).
Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi ông Song mất việc làm.
Do chưa đủ điều kiện về tuổi đời (đủ 60 tuổi) để được hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP, cho nên ông Song sẽ được chốt sổ BHXH, bảo lưu thời gian đóng BHXH để chờ đủ 60 tuổi hưởng chế độ hưu trí.
Hiện nay, ông Song đã đủ 55 tuổi, mà muốn hưởng ngay lương hưu, ông có thể đề nghị công ty gửi đi giám định suy giảm khả năng lao động, nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, ông sẽ được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với mức lương hưu của người đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định này. Cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì, mức lương hưu giảm đi 1%.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.