Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bố của ông Trương Khắc Tuấn (Hà Nội) năm nay 85 tuổi, thần kinh không ổn định, không tự chăm sóc bản thân được. Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thì bố ông thuộc đối tượng người cao tuổi khuyết tật nặng, trợ cấp 900.000 đồng/tháng, đồng thời có thêm chế độ cho người chăm sóc là 540.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, bố ông Tuấn đang hưởng chế độ thương binh, tỷ lệ thương tật 21%, mức trợ cấp 1.094.000 đồng/tháng nên không được hưởng chế độ đối với người khuyết tật nặng.
Ông Tuấn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét thay đổi chính sách ưu đãi đối với người tham gia cách mạng, nay cao tuổi bị khuyết tật nặng để động viên tinh thần của họ và gia đình.
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của họ được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, theo mức độ đóng góp, công lao cống hiến, hy sinh của đối tượng và cân đối trong mặt bằng chính sách nói chung.
Chế độ ưu đãi của thương binh được xác định theo tỷ lệ tổn thương cơ thể và cân đối với nhiều diện đối tượng khác như bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…
Thương binh có tỷ lệ thương tật 21% là thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể thấp nhất trong các hạng thương tật của thương binh (hiện nay, thương binh có tỷ lệ tổn thương cao nhất thì được hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi trên 7.000.000 đồng).
Ngoài ra, thương binh còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ nhà ở... Việc tách riêng mức trợ cấp thấp nhất của thương binh để so sánh với mức trợ cấp cao nhất của người cao tuổi bị khuyết tật nặng là không có cơ sở và không phải căn cứ để xác định chế độ ưu đãi của người có công với cách mạng nói chung và thân nhân nói riêng.
Chinhphu.vn