Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về vấn đề này, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Việc thay thế động cơ được quy định tại Khoản 19 Điều 4 Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT) của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ:
"Không sử dụng lại động cơ của xe cơ giới đã có thời gian sử dụng quá 15 năm kể từ năm sản xuất để thay thế hoặc cải tạo. Động cơ thay thế có công suất lớn nhất theo công bố của nhà sản xuất nằm trong khoảng từ 90% đến 120% so với công suất lớn nhất của động cơ được thay thế".
Đối với trường hợp thay thế động cơ cùng kiểu loại, xe cơ giới thay thế động cơ cùng kiểu loại không được coi là cải tạo. Vì vậy, sau khi thay thế động cơ, chủ phương tiện tiến hành các thủ tục tiếp theo để được kiểm định theo quy định.
Đối với trường hợp thay thế động cơ khác kiểu loại, xe cơ giới thay thế động cơ khác kiểu loại được coi là cải tạo và phải thực hiện theo trình tự, thủ tục cải tạo xe cơ giới quy định tại Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT), bao gồm:
- Lập hồ sơ thiết kế và thẩm định hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo quy định tại Điều 5, Điều 7 Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT).
- Thi công, nghiệm thu và cấp Giấy chứng nhận cải tạo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT).
Chinhphu.vn