Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Khi vợ ông Huy ra ngân hàng rút tiền thì ngân hàng làm thủ tục tất toán hợp đồng tiền gửi nhưng lại chỉ chuyển gốc lãi tiền gửi vào tài khoản rút tiền (tài khoản liên kết với thẻ ATM thông thường) của ông Huy mà không đồng ý cho vợ ông rút tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản đứng tên vợ ông.
Ông Huy đang ở nước ngoài, không thể chuyển tiền ngược lại cho vợ (do không nhận được mã OTP qua SMS chuyển tiền). Ngân hàng giải thích, đây là sản phẩm tiền gửi kỳ hạn (không phải tiền gửi tiết kiệm) nên theo quy định khi tất toán tiền chỉ được phép chuyển vào tài khoản rút tiền đứng tên ông Huy, dù ông đã có văn bản ủy quyền hợp lệ thì chỉ có tác dụng để vợ ông ra làm thủ tục tất toán được thôi.
Ông Huy hỏi, ngân hàng giải thích và làm vậy có đúng với quy định không?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 2, Điều 5 Thông tư số 49/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tiền gửi có kỳ hạn quy định: "Khách hàng chỉ được gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua tài khoản thanh toán của chính khách hàng đó".
Khoản 1(e), Điều 6 Thông tư số 49/2018/TT-NHNN quy định: "Thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phải được lập thành văn bản, trong đó bao gồm thông tin tài khoản thanh toán của khách hàng được dùng để gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn gồm: Tên chủ tài khoản thanh toán, số tài khoản thanh toán, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản thanh toán".
Căn cứ các quy định trên, khi chi trả tiền gửi có kỳ hạn cho khách hàng, các tổ chức tín dụng chuyển tiền gốc và lãi của khoản tiền gửi có kỳ hạn vào tài khoản thanh toán của chính khách hàng theo các thông tin tài khoản thanh toán của khách hàng đã nêu trong Thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng và khách hàng.
Chinhphu.vn