Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Vừa qua ông Tân tới Văn phòng một cửa của huyện làm thủ tục đính chính vị trí đất ở và đất vườn (bây giờ gọi là đất trồng cây lâu năm), hồ sơ có kèm theo sơ đồ đo đạc. Đất nhà ông Tân được cấp trước thời điểm cấp sổ rất lâu nên đã xây dựng các công trình trên diện tích được cấp sổ, hiện tại diện tích còn lại để xác định vị trí đất trồng cây lâu năm là 4 m ngang mặt giáp đường và sâu vào 10,5 m theo hồ sơ đo đạc mà ông nộp tại Văn phòng một cửa.
Sau khi nộp hồ sơ, ông Tân nhận được thông tin từ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện yêu cầu ông sửa lại vị trí diện tích đất trồng cây lâu năm. Cụ thể, phải để phần đất ở tiếp giáp với đường tối thiểu là 3 m, có nghĩa phần đất trồng cây lâu năm sẽ có 3,65 m giáp đường, sâu vào 11,5 m.
Ông Tân hỏi, mảnh đất của ông có mặt giáp đường 6,65 m, tại sao phải quy định khi phân định 2 loại đất thì mặt giáp đường của phần đất ở phải là 3 m? Có quy định nào như vậy không?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn về cấp và thể hiện thông tin trên Giấy chứng nhận giai đoạn này không có quy định định vị vị trí đất thổ cư hay đất ở trên thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở.
Tại Khoản 1 Điều 195 Luật Đất đai năm 2013 quy định các thủ tục hành chính về đất đai cũng không có thủ tục hành chính về xác định lại vị trí đất ở trên Giấy chứng nhận đã cấp.
Vì vậy, pháp luật không quy định phải xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất ở hoặc đất nông nghiệp trên thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Đăng Khôi