Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về vấn đề trên, Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Tại khoản 2 Điều 114 Bộ Luật Lao động quy định: Người lao động nữ có thể đi làm việc trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu đã nghỉ ít nhất được hai tháng sau khi sinh và có giấy của thầy thuốc chứng nhận việc trở lại làm việc sớm không có hại cho sức khoẻ và phải báo cho người sử dụng lao động biết trước. Trong trường hợp này, người lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản, ngoài tiền lương của những ngày làm việc.
Cùng với đó, tại Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại Luật này khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Sau khi sinh con từ đủ sáu mươi ngày trở lên;
- Có xác nhận của cơ sở y tế về việc đi làm sớm không có hại cho sức khoẻ của người lao động;
- Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.
Ngoài tiền lương, tiền công của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại Luật này.
Trường hợp bà Giang thuộc đối tượng được nghỉ chế độ thai sản 5 tháng. Theo quy định sau khi sinh con đủ 2 tháng, có xác nhận của cơ sở y tế về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe, và do yêu cầu của công việc bà Giang đang đảm nhiệm, được Hiệu trưởng nhà trường đồng ý thì bà Giang có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 114 Bộ luật Lao động và quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội thì thời gian 3 tháng đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con, bà Giang vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn (do Bảo hiểm xã hội chi trả), đồng thời bà Giang còn được hưởng tiền lương của những ngày làm việc đó (do Nhà trường chi trả).
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.