• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Công nghiệp công nghệ số: Tạo đà phát triển bằng luật hóa và chính sách vượt trội

(Chinhphu.vn) - Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, gắn với đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ lõi, đồng thời đề xuất hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ khởi nghiệp và thúc đẩy liên kết giữa các ngành công nghiệp công nghệ cao.

09/05/2025 18:25
Công nghiệp công nghệ số: Tạo đà phát triển bằng luật hóa và chính sách vượt trội- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hướng đến phát triển bền vững

Chiều 9/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và thảo luận tại hội trường. 

Nêu ý kiến, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) bày tỏ đồng tình và đánh giá cao việc cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan. Theo đại biểu, dự thảo luật cơ bản hoàn thiện, góp phần khắc phục những bất cập, tạo hành lang pháp lý vững chắc và cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.

Liên quan đến chính sách thúc đẩy nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số (Điều 15), đại biểu Hương nhận định dự thảo đã thể chế hóa kịp thời tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW với nhiều cơ chế ưu đãi như: Ưu đãi vượt trội cho những dự án đặc biệt; khuyến khích nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo công nghệ số; ưu đãi thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số nhằm chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam…

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các chính sách ưu đãi vượt trội, đặc biệt đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo trong hoạt động đào tạo về công nghệ số để bảo đảm khả thi và thống nhất với pháp luật về đầu tư và nghiên cứu. Đồng thời, cần tăng cường hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này, đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, ươm tạo khởi nghiệp trong phát triển và áp dụng công nghệ số.

Dự thảo luật đã dành riêng Mục 8 trong Chương II để quy định các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững ngành công nghiệp công nghệ số, thể hiện rõ sự quan tâm tới yếu tố môi trường. Theo đó, dự thảo đã xác định phát triển công nghiệp công nghệ số phải hướng đến việc tái sử dụng; tái chế, tái sản xuất, bảo đảm tiết kiệm nguồn tài nguyên; phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thân thiện môi trường; tân trang sản phẩm đã qua sử dụng để góp phần giảm thiểu rác thải công nghiệp, bảo vệ môi trường.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay và xu thế công nghệ toàn cầu, đại biểu Hương đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm chính sách vượt trội hơn để giảm thiểu hiệu quả hơn các tác động tiêu cực đến môi trường. Song song đó, cần có cơ chế đặc thù thúc đẩy việc thu hồi, xử lý sản phẩm công nghệ số sau khi hết thời hạn sử dụng, hướng tới tiêu chuẩn xanh và phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) đánh giá dự thảo luật đã xây dựng khung pháp lý mang tính toàn diện, về công nghiệp công nghệ số và góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất cần có thêm chính sách tăng cường liên kết giữa công nghiệp bán dẫn và công nghiệp điện tử, bởi công nghiệp bán dẫn là nền tảng cốt lõi của các sản phẩm điện tử hiện nay. Do đó, việc xây dựng cơ chế phối hợp nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ giữa 2 ngành không chỉ phát triển hệ sinh thái công nghiệp đồng bộ, mà còn hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đánh giá ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam tuy đi sau nhưng "không trễ". Theo đại biểu, cần đặc biệt quan tâm đến chính sách đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ số trong nước và cả các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Đặc biệt, dự thảo cần quy định rõ ràng chính sách thu hồi, xử lý sản phẩm công nghệ sau khi hết hạn sử dụng, nhất là với các thiết bị, vật liệu có thể tái chế từ công nghệ bán dẫn.

Ông Phạm Văn Hòa cũng nhấn mạnh, cần có chính sách ưu đãi cụ thể, nhất là về thuế, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển công nghệ cao, tiến tới làm chủ công nghệ bán dẫn – lĩnh vực chiến lược trong chuyển đổi số quốc gia.

Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế quan trọng

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng nhằm tạo cú hích mạnh mẽ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này theo 4 mục tiêu lớn: Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp xứng đáng vào nền kinh tế đất nước; hình thành và phát triển được hệ sinh thái về doanh nghiệp công nghệ số, cơ bản chuyển dịch được từ lắp ráp, gia công sang khâu chất lượng cao hơn là sáng tạo, thiết kế, sản xuất, tiến dần làm chủ công nghệ lõi, công nghệ số chiến lược, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn, tầm cỡ quốc tế; phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ số hiện đại, đồng bộ; thu hút, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong ngành này.

Phó Thủ tướng khẳng định, sau Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra để nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và cập nhật một số điểm mới trong các nghị quyết lớn của Đảng như: Nghị quyết 57 về đột phá trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Nghị quyết 66 về đổi mới xây dựng và thi hành pháp luật và mới nhất là Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, bảo đảm cho kiến tạo, phát triển.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh các nguyên tắc xây dựng dự luật, đó là quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung; còn những vấn đề chi tiết giao cho Chính phủ quy định; các chính sách cụ thể, rõ ràng, đột phá, vượt trội, có thể thực hiện được ngay; cùng một vấn đề chỉ quy định ở một luật; tăng cường phân cấp, phân quyền; cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; bảo đảm cho kiến tạo, phát triển....

“Về ý kiến của các đại biểu Quốc hội hôm nay, Chính phủ và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội thông qua với chất lượng tốt nhất ngay tại Kỳ họp thứ 9 này”, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nói.

Thu Giang