Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Hoa như sau:
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2015) và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016)) thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên (kể từ ngày 1/1/2018 là hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên) thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Điều 26, Điều 27 Bộ luật Lao động quy định, người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc.
Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc. Hợp đồng thử việc phải có các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này, không bao gồm nội dung về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Căn cứ quy định trên thì thời gian thử việc theo hợp đồng thử việc, người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
Khoản 3 Điều 186 Bộ luật Lao động quy định, đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp bà Trần Thị Hoa trong thời gian thực hiện hợp đồng thử việc không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tuy nhiên, công ty có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương cho bà một khoản tiền tương đương với tỷ lệ mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc phần trách nhiệm của công ty là 22% (bao gồm: bảo hiểm xã hội 18%, bảo hiểm y tế 3%, bảo hiểm thất nghiệp 1%).
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.