Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Nguyễn Phương Nam (Hà Nội) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn vướng mắc sau trong quá trình xét thầu:
Chi nhánh công ty A (hạch toán độc lập) đứng tên mua hồ sơ mời thầu gói thầu, sau đó chi nhánh này liên danh với Công ty B để tham gia đấu thầu. Theo Bộ luật Dân sự, chi nhánh muốn tham gia đấu thầu phải có ủy quyền của công ty mẹ. Tuy nhiên, tại hồ sơ dự thầu nhà thầu không đính kèm ủy quyền này và sử dụng năng lực của chi nhánh (tài chính, năng lực kinh nghiệm) để tham gia đấu thầu. Sau khi làm rõ nội dung, chi nhánh bổ sung ủy quyền để chứng minh tư cách hợp lệ.
Ông Nam hỏi, ủy quyền bổ sung sau thời điểm đóng thầu có hợp lệ không? Chi nhánh được công ty mẹ ủy quyền có được sử dụng năng lực của chi nhánh không hay phải sử dụng năng lực của công ty mẹ để đấu thầu?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Khoản 1, Điều 5 Luật Đấu thầu quy định nhà thầu trong nước có tư cách hợp lệ khi đáp ứng các điều kiện:
- Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp;
- Hạch toán tài chính độc lập.
Do chi nhánh của công ty không có tài sản độc lập và không tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó nên chi nhánh không thể nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập, do đó chi nhánh không đủ tư cách để tham dự thầu theo quy định kể cả trường hợp được uỷ quyền từ công ty mẹ.
Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, công ty không được phép ủy quyền cho chi nhánh để tham dự thầu mà chỉ cho phép người đứng đầu công ty có thể ủy quyền cho giám đốc chi nhánh thay mình thực hiện các công việc như: Ký đơn dự thầu, thỏa thuận liên danh, ký các văn bản tài liệu để giao dịch với bên mời thầu…
Trường hợp công ty tham dự thầu và trúng thầu thì việc thực hiện hợp đồng và các thủ tục pháp lý liên quan phải do công ty đảm nhận. Việc công ty trúng thầu giao cho chi nhánh thực hiện các công việc của gói thầu là việc phân công nội bộ trong công ty.
Chinhphu.vn