Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: VGP/HM
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 714/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển trường Đại học Y Hà Nội thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia thuộc nhóm hàng đầu châu Á". Xung quanh nội dung này, Phóng viên Báo điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội về kế hoạch triển khai Đề án quan trọng này đối với Nhà trường.
Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quyết định 714/QĐ-TTg về Đề án phát triển trường Đại học Y Hà Nội thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia thuộc nhóm hàng đầu châu Á. Theo ông, Đề án được phê duyệt trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa như thế nào đối với trường Đại học Y Hà Nội?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Đề án phát triển trường Đại học Y Hà Nội được phê duyệt trong bối cảnh hiện nay thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với ngành y tế nói chung và đối với trường Đại học Y Hà Nội nói riêng – ngôi trường có bề dày truyền thống 123 năm với tránh nhiệm dẫn dắt và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống y tế cả nước.
Đây là lần đầu tiên Trường Đại học Y Hà Nội có một đề án phát triển chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; là cơ sở pháp lý vững chắc, dấu mốc quan trọng đối với cơ hội phát triển của Nhà trường nhằm đạt được các chuẩn quốc tế, đưa thương hiệu, chất lượng của Nhà trường hội nhập quốc tế.
Thầy trò nhà trường tin tưởng thực hiện Đề án này và trường Đại học Y Hà Nội sẽ thay đổi mạnh mẽ, vượt bậc trong thời gian tới.
Trong Đề án có đề cập đến việc xây dựng tối thiểu 5 bệnh viện trực thuộc Nhà trường. Trong 10 năm tới, việc này có khả thi như nào, thưa ông?
GS Nguyễn Hữu Tú: Hiện nay, Trường đang hoàn thiện 4 bệnh viện trực thuộc, đó là Bệnh viện Đại học y Hà Nội cơ sở Tôn Thất Tùng; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở ở Hoàng Mai đang hình thành và cần tiếp tục được đầu tư hoàn thiện; 2 cơ sở nữa cũng cần hoàn thiện về chuyên môn và cơ sở vật chất, đó là Bệnh viện K71 Trung ương và Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương vừa được Chính phủ quyết định cho sát nhập về trường Đại học Y Hà Nội.
Nhà trường đang đề xuất và xin ý kiến của các cơ quan quản lý xây dựng thêm ít nhất 1 bệnh viện nữa trong 10 năm tới.
Như vậy, con số xây dựng 5 bệnh viện trực thuộc Nhà trường như trong Đề án là hoàn toàn có cơ sở và khả thi.
Nhà trường có kế hoạch và giải pháp nhằm đạt trên 1.700 giảng viên, trong đó trên 70% là Tiến sĩ, 30% là Giáo sư và Phó giáo sư - Ảnh: VGP/HM
Cũng theo quy mô của Đề án này, đến năm 2035, tức là chỉ trong thời gian 10 năm, Nhà trường sẽ đào tạo trên 20.000 người học, hơn 1000 bài báo được công bố quốc tế – những con số gấp đôi so với hiện nay. Vậy, những con số này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
GS Nguyễn Hữu Tú: Hiện nay, mỗi năm toàn trường có khoảng 500 bài báo được công bố quốc tế, Nhà trường phấn đầu mỗi năm có tăng trưởng 10% và đến năm 2035, con số này sẽ tịnh tiến đến hơn 1000 bài báo, công trình nghiên cứu khoa học được công bố quốc tế.
Đây cũng là định hướng trọng tâm của Nhà trường trong việc tập trung đầu tư hỗ trợ và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời gian tới. Nhà trường đã và đang ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy lĩnh vực này.
Để có nhân lực thực hiện các mục tiêu lớn, Nhà trường có kế hoạch và giải pháp tăng cường đào tạo giảng viên và nghiên cứu viên xuất sắc, nhằm đạt trên 1.700 giảng viên, trong đó trên 70% giảng viên là Tiến sĩ, 30% là Giáo sư và Phó giáo sư. Hiện nay, Nhà trường có gần 900 giảng viên trong đó 50% giảng viên là Tiến sĩ, 20% là Giáo sư và Phó giáo sư.
Được biết, các mục tiêu trong Đề án này đều sẽ phải hoàn thành trong 10 năm - thời gian không phải dài. Theo nhận định của ông, liệu Nhà trường có quá tham vọng không, thưa ông?
GS Nguyễn Hữu Tú: Trong Đề án có phân chia các giai đoạn cùng các mục tiêu cụ thể để thực hiện trong 10 năm tới. Đề án này sẽ là cơ hội lớn nhất để trường Đại học Y Hà Nội vươn lên mạnh mẽ cùng kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Các con số, chỉ tiêu đặt ra thể hiện sự khát khao phát triển của thầy trò Nhà trường; sẽ là động lực để toàn trường vượt lên giới hạn của hiện tại, để vươn tầm quốc tế.
Quyết định số 714/QĐ-TTg là dấu mốc quan trọng để Nhà trường hội nhập quốc tế - Ảnh: VGP/HM
Vậy, Nhà trường có lường trước những khó khăn lớn nào khi triển khai Đề án này, thưa ông?
GS Nguyễn Hữu Tú: Chắc chắn có rất nhiều khó khăn, thách thức lớn trên con đường đạt được các mục tiêu của đề án. Đó là khó khăn về cơ chế, thủ tục như khi xây dựng các bệnh viện thực hành tại cơ sở được quy hoạch cho giáo dục; yêu cầu lớn về nguồn lực tài chính, đầu tư của nhà nước; yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng để thực hiện Đề án; xây dựng và vận hành mô hình quản trị mới…
Thầy trò nhà trường tin tưởng sẽ luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Bộ Y tế, sự ủng hộ và ưu tiên đầu tư của các bộ, ngành liên quan cùng sự nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ viên chức Nhà trường để vượt qua các khó khăn thách thức, đưa trường Đại học y Hà Nội đến đích mong đợi.
Nhà trường đã có kế hoạch triển khai như thế nào để đạt được các mục tiêu trong Đề án, thưa ông?
GS Nguyễn Hữu Tú: Khi xây dựng Đề án này, Nhà trường đã có sự chuẩn bị từ cơ sở lý luận, cơ sở khoa học, mục tiêu, kế hoạch đến các giải pháp triển khai.
Ngay sau khi có Quyết định phê duyệt đề án của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trực tiếp chỉ đạo các bước chuẩn bị cho thực hiện Đề án.
Theo đó, trường Đại học Y Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị, các cấp gấp rút xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể cho các cấu phần trong Đề án; lựa chọn đề xuất những dự án thành phần ưu tiên, khả thi nhất để thực hiện ngay trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Nhà trường cũng bám sát các mục tiêu của Đề án để xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ hàng năm, hàng quý; ưu tiên những nhiệm vụ trọng yếu được ví như bàn đạp, nền tảng để thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo.
Nhà trường cũng ưu tiên hoàn thiện sớm và xây dựng các bệnh viện thực hành. Đây là nhiệm vụ rất cấp thiết để mở rộng quy mô đào tạo hiện có - thực hiện một trong những mục tiêu chính của Đề án này là tăng quy mô đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để đồng thời tăng cả quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo thì việc chuẩn bị các điều kiện đảm chất lượng phải đi trước một bước, trong đó cơ sở vật chất và nguồn lực giảng viên là 2 vấn đề cốt lõi nhất để đạt được mục tiêu này.
Xin cảm ơn ông!
Hiền Minh (thực hiện)