• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Để ‘sức mạnh mềm’ của Việt Nam lan tỏa khắp thế giới

(Chinhphu.vn) - Chúng ta phải tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn hóa, phải khơi thông được nguồn lực xã hội hóa, tạo điều kiện cho văn hóa Việt Nam phát triển bền vững cũng như khẳng định “sức mạnh mềm” của Việt Nam trên thế giới.

23/01/2023 10:35
Để ‘sức mạnh mềm’ của Việt Nam lan tỏa khắp thế giới - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông - Ảnh: VGP

Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta luôn hướng đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá, tìm ra nguyên nhân và đề ra giải pháp để khắc phục. Đặc biệt chúng ta cần nhìn nhận lại sau 1 năm diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Nhân dịp này, Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông với chủ đề "Để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững đất nước".

Để ‘sức mạnh mềm’ của Việt Nam lan tỏa khắp thế giới - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông và khách mời cắt băng khai trương Nhà triển lãm Việt Nam tại Expo Dubai.

 Toàn ngành VHTTDL có một diện mạo và sức bật mới

Chúng ta sắp kết thúc một năm với nhiều biến động và thách thức, đặc biệt sau khi kiểm soát được dịch COVID-19 để đón Xuân Qúy Mão, ngành văn hóa đã có những nỗ lực gì để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Năm 2022, ngành văn hóa đã có sức bật mới với rất nhiều thành tích nổi bật trên các lĩnh vực. Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021. Trong đó đặc biệt chú ý đến những công việc triển khai trong thực tế gồm 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp mà Tổng Bí thư đã nêu trong kết luận Hội nghị.

Để văn hóa phát triển một cách bền vững, chúng tôi hướng tới xây dựng văn hóa ở cơ sở, vì vậy năm 2022 chủ đề công tác năm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ". Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã có những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, từ đó có những chương trình hành động triển khai theo kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021).

Ngay từ đầu năm Bộ VHTT&DL đã phát động chủ đề công tác năm tại Nghệ An. Bên cạnh đó, Bộ VHTT&DL nêu cao tinh thần "quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến" trong thực hiện công việc.

Nhìn nhận thấy rõ trong năm 2022 mặc dù vẫn còn có những biến động của đại dịch COVID-19, nhưng về mặt tổng thể, ngành VHTTDL đã đạt được nhiều thành tích. Trước hết, đối với lĩnh vực văn hóa, UNESCO đã ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm là văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Bên cạnh đó, chúng ta đã thực hiện rất nhiều cuộc thi chuyên nghiệp về âm nhạc truyền thống, sân khấu, liên hoan âm nhạc quốc tế, liên hoan phim quốc tế Hà Nội… Đó là những dấu ấn đầu tiên thể hiện một phần cố gắng để tiếp tục bảo tồn phát huy vốn cổ quý báu của văn hóa truyền thống Việt Nam. Mặt khác giới thiệu những hình ảnh đẹp nhất về đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

Ở lĩnh vực du lịch, ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ, khách du lịch quốc tế đạt được trên 3,6 triệu lượt, hơn 101 triệu lượt khách du lịch trong nước; tổng thu từ du lịch là 490 nghìn tỷ đồng, vượt 23% so với kế hoạch năm 2021. Chúng ta cũng đạt nhiều giải thưởng du lịch quốc tế uy tín ở các hạng mục. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19 nhưng với sự quyết liệt của Bộ VHTT&DL; sự đồng lòng của các bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã mở cửa du lịch từ ngày 15/3. Đó là những công việc thúc đẩy ngành du lịch cùng với toàn xã hội phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Chúng ta cũng tổ chức thành công SEA Games 31 tại Việt Nam. Theo dư luận trong và ngoài nước đánh giá, đó là sự kiện thể thao thành công về mọi mặt, trong đó thể thao Việt Nam chưa bao giờ đạt được thành tích cao như vậy. Đồng thời, các đội bóng đá nam và nữ đều đạt những thành tích xuất sắc, vào vòng chung kết giải bóng đá thế giới. Chúng ta cũng đã tổ chức thành công Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc. Đó là những điểm nhấn nổi bật của thể thao năm vừa qua.

Năm 2022 chúng ta cũng tham gia thành công Triển lãm thế giới EXPO tại Dubai. Đó là hoạt động văn hóa đối ngoại đặc biệt trong thời kỳ COVID-19. Việc tổ chức và tham gia thành công Triển lãm thế giới EXPO cũng là điểm nhấn quan trọng. Ban Tổ chức đã trao giải đồng giải ý tưởng cho Ngôi nhà của Việt Nam… Bên cạnh đó, còn nhiều thành tích khác trong năm vừa qua ngành VHTTDL đã đạt được.

Năm 2022, toàn ngành VHTTDL có một diện mạo và sức bật mới, để đạt được những thành đó, điều quan trọng nhất là nhờ sự thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đó là tiền đề để sau đó tất cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đưa văn hóa lên tầm mới, sánh vai với các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị… Qua đó thấy rằng các địa phương đã chú trọng đầu tư cho văn hóa cả về cơ sở vật chất kỹ thuật đến con người…

Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị văn hóa năm 2022 để xác định các hệ giá trị văn hóa. Quốc hội cũng đã tổ chức hội nghị để tháo gỡ những "điểm nghẽn" về mặt thể chế, pháp luật từ đó tăng cường đầu tư cho ngành văn hóa. Qua những sự kiện đó cho thấy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn luôn chú trọng phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.

Đối với Bộ VHTT&DL, văn hóa phải đi lên từ cơ sở, từ đó Bộ đã kết hợp với rất nhiều các bộ, ban, ngành làm văn hóa từ cơ sở để văn hóa là nền tảng cơ bản, có tính chất lan tỏa giúp đất nước phát triển bền vững.

Để ‘sức mạnh mềm’ của Việt Nam lan tỏa khắp thế giới - Ảnh 3.

Khơi thông "điểm nghẽn" về thể chế, pháp luật, tạo điều kiện cho văn hóa phát triển

Thưa Thứ trưởng, như chúng ta đã biết, Đảng ta đã nhấn mạnh trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII là văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hoá chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng như đầu tư cho lĩnh vực kinh tế, Thứ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Ngay từ năm 1943, trong Đề cương Văn hóa, văn hóa đã được đề cập đến là một trong ba trụ cột quan trọng để phát triển xã hội. Từ đó đến nay, trải qua rất nhiều các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Đảng và Nhà nước ta đều khẳng định văn hóa là một trong những mặt cần phải đưa lên cùng với kinh tế, chính trị, xã hội để phát triển. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, một lần nữa văn hóa được khẳng định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Trên thực tế chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để khơi thông nguồn lực, khơi thông "điểm nghẽn" về thể chế, pháp luật, tạo điều kiện hơn nữa cho văn hóa phát triển và đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho văn hóa.

Khi ban hành Luật PPP ngành văn hóa chưa được đưa vào lĩnh vực hợp tác công tư; các luật về thuế, thu nhập doanh nghiệp, việc đầu tư của các doanh nghiệp tài trợ cho các chương trình văn hóa không được đưa vào trong ưu đãi… Nguồn lực đầu tư cho văn hóa rất hạn chế, phần lớn dựa vào nguồn lực của Nhà nước. Mặt khác có nhiều hạn chế trong việc huy động thêm nguồn lực đầu tư cho văn hóa. Vì vậy, trong thời gian tới, các Hội thảo nhằm tháo gỡ các "điểm nghẽn" về thể chế, chính sách cùng với các quan điểm của Đảng, Nhà nước sẽ tạo điều kiện đầu tiên, khơi thông thêm nguồn lực cho phát triển văn hóa. Chúng tôi kỳ vọng trong năm tới nguồn lực dành cho văn hóa sẽ tăng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, Bộ VHTT&DL đang chuẩn bị xây dựng chương trình phát triển văn hóa trong thời gian tới. Chúng tôi rất kỳ vọng chương trình này được Chính phủ và Quốc hội thông qua. Trong phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ cần đẩy nhanh tốc độ chương trình này để nhanh chóng triển khai trên thực tế như một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.

Có nhiều ý kiến cho rằng, ở địa phương công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hoá còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hoá các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hoá, Thứ trưởng nghĩ sao về vấn đề này? 

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Bên cạnh những "điểm nghẽn", "nút thắt" về thể chế, lực lượng làm văn hóa tại các địa phương là những vấn đề cần phải khắc phục. Hiện nay, lực lượng làm văn hóa chuyên ngành tại các sở quản lý văn hóa của các địa phương phần lớn là kiêm nhiệm. Trong thời gian qua, nhiều luật, nghị định trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao, gia đình khi triển khai đều phân cấp cho địa phương vô hình chung làm tăng thêm áp lực, sự quá tải ở địa phương.

Sau đại dịch COVID-19, năm 2022 bùng nổ các chương trình nghệ thuật, liên hoan, các cuộc thi người đẹp, người mẫu… Qua những sự kiện này, có thể thấy lực lượng làm văn hóa và quản lý văn hóa tại các tỉnh, thành phố cần được gấp rút bổ sung cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường biên chế cho các sở văn hóa. Nhất là những vị trí việc làm đặc biệt quan trọng để có thể tham mưu đúng, trúng và kịp thời để giải quyết các tình huống và triển khai hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước ở các địa phương.

Nguồn nhân lực cho văn hóa hiện nay rất khó khăn và ngành không có nhiều nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao là một trong những vấn đề cấp thiết, quan trọng và cần tập trung hơn nữa trong thời gian tới. Trong đó, nhân lực bao gồm cả mặt chuyên ngành và quản lý Nhà nước. Với mong muốn có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước trong đào tạo nhân lực văn hóa và trên thực tế đòi hỏi nguồn nhân lực này, trong thời gian tới, hy vọng sẽ có thêm nhiều nhân lực mới chất lượng để thực hiện công tác quản lý văn hóa và làm văn hóa.

Lâu nay, đời sống văn nghệ sĩ cơ bản là còn rất khó khăn, việc chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ còn lúng túng, thiếu kinh phí và cả cơ chế tạo điều kiện. Thứ trưởng nghĩ sao về việc này?

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Việc chăm lo đời sống cho những người làm văn hóa, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa là vấn đề nổi cộm trong thời gian qua. Đối với các chuyên ngành nghệ thuật, các diễn viên, nghệ sĩ phải học từ bé, qua rèn luyện rất gian khổ nhưng tuổi nghề rất ngắn, lương đầu vào thấp. Có những ngành nghề chuyên sâu như xiếc, múa khi ra trường chỉ đạt trình độ trung cấp hoặc các ngành sân khấu truyền thống cũng là bậc trung cấp, cao đẳng vì vậy lương khởi điểm thấp. Vấn đề chăm lo đời sống cho các nghệ sĩ, diễn viên nhìn chung gặp nhiều khó khăn.

Trong năm qua, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL chỉ đạo phải giải quyết những điểm nghẽn trong thể chế về vấn đề này. Chúng tôi sẽ tập trung vào tháo gỡ vướng mắc liên quan tới chế độ lương, đãi ngộ đối với nghệ sĩ như: Tuổi nghỉ hưu của diễn viên; trả thù lao cho diễn viên, hoặc đề xuất mới về lương của diễn viên phải được ưu tiên, ưu đãi đặc biệt vì tuổi nghề ngắn.

Với những quan điểm trên, trong năm tới Bộ VHTT&DL cố gắng tháo gỡ "điểm nghẽn" về mặt thể chế, qua đó dần dần cải thiện đời sống của anh chị em nghệ sĩ và những người làm quản lý văn hóa. Trong năm qua, Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật đã trình Chính phủ và chờ được phê duyệt. Với những đề xuất trong nghị định này, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành và tháo gỡ khó khăn cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Để ‘sức mạnh mềm’ của Việt Nam lan tỏa khắp thế giới - Ảnh 4.

Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống - "lá chắn" văn hóa độc hại xâm nhập

Một thực tế hiện nay là chúng ta chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc; đôi khi khi bắt chước nước ngoài một cách phản cảm, không có chọn lọc. Làm sao để khắc phục tồn tại này, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Hiện nay không gian mạng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn hóa nghệ thuật không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng gặp tình trạng tương tự. Trong bối cảnh "thế giới phẳng",việc trao đổi dễ dàng hơn, tự do thể hiện quan điểm, thông tin nhanh hơn. Tuy nhiên, không hiếm thông tin độc hại làm ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của người dân, gây nhiễu loạn xã hội và ảnh hưởng tới sự phát triển đất nước.

Một trong những việc cần làm là tăng cường năng lực văn hóa trong nước để chống lại văn hóa độc hại xâm nhập. Đặc biệt là phải dựa vào những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam, đề cao và phát huy giá trị đó như là một "liều thuốc", "lá chắn" văn hóa độc hại. Có biện pháp để quản lý mạng internet chặt chẽ hơn, có những sàng lọc để chúng ta vừa tiếp thu được tinh hoa văn hóa thế giới, vừa kết hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam để phát triển văn hóa một cách bền vững.

Giao lưu văn hóa quốc tế có phần không cân bằng, chúng ta đang bị nhập siêu văn hóa, có phải phần văn hóa nước ngoài du nhập vào nước ta "áp đảo" phần chúng ta xuất khẩu ra thế giới, thưa Thứ trưởng? Ngành văn hoá đã có những định hướng và giải pháp gì để đẩy mạnh Công nghiệp văn hoá?

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Như tôi đã nói bao giờ cũng có hai mặt của một vấn đề trong phát triển trong bối cảnh hội nhập với không gian mạng phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta có đủ năng lực để phát triển văn hóa bền vững và dựa vào những giá trị truyền thống để phát triển.

Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao, Bộ VHTT&DL đã có chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại. Khi thực hiện chiến lược này, việc đưa văn hóa ra nước ngoài sẽ hết sức thuận lợi. Hiện nay, Bộ VHTT&DL vẫn duy trì hai Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp và Lào. Qua hai mô hình này cho thấy, đây là những mô hình hiệu quả để tuyên truyền quảng bá văn hóa Việt Nam. Hai trung tâm văn hóa đã tổ chức rất nhiều chương trình văn hóa văn nghệ không chỉ ở Pháp, Lào mà lan tỏa ra các nước lân cận. Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai các mô hình Trung tâm văn hóa Việt Nam tương tự như vậy ở các nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn và đề xuất có thêm tùy viên văn hóa tại Đại sứ quán các nước để làm sao đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, khẳng định "sức mạnh mềm" của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhiều di sản văn hoá quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong. Đây chính là di sản quý báu không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới, giúp định vị văn hóa lịch sử dân tộc và thu hút du lịch. Vậy theo Thứ trưởng chúng ta đã quan tâm đúng mức và đúng hướng vấn đề này chưa?

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Trong nhiều năm qua, việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc rất được chú trọng. Tuy nhiên để làm tốt công tác này cần phải có nguồn lực đủ mạnh.

Chúng ta là một trong những nước châu Á có nhiều di sản ở các cấp độ và lĩnh vực khác nhau được UNESCO công nhận. Đây là minh chứng rõ nét về một đất nước Việt Nam tươi đẹp, đa dạng về phong cảnh thiên nhiên, phong phú về bản sắc văn hóa dân tộc, có bề dày lịch sử. Đây cũng là trữ lượng, tiềm năng để quảng bá di sản, văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Không những có giá trị về văn hóa, tạo ra "sức mạnh mềm" của Việt Nam mà còn thu hút được khách du lịch đến Việt Nam.

Chúng ta phải tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn hóa, phải khơi thông được nguồn lực xã hội hóa. Với những tiềm năng thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực di sản, tạo điều kiện cho văn hóa Việt Nam phát triển cũng như khẳng định "sức mạnh mềm" của Việt Nam trên thế giới.

Kiều Liên (thực hiện)