Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Tài chính đề xuất quy định mới về thuế thu nhập doanh nghiệp
Bộ Tài chính cho biết, ngày 14/6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) số 67/2025/QH15 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2025 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2025. Tại Luật Thuế TNDN, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết một số khoản, điều và nội dung của Luật, cụ thể: về người nộp thuế (Điều 2); thu nhập chịu thuế (Điều 3); thu nhập được miễn thuế (Điều 4); doanh thu (Điều 8); các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, bao gồm cả mức chi bổ sung, điều kiện, thời gian và phạm vi áp dụng đối với khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp (Điều 9); xác định tiêu chí tổng doanh thu làm căn cứ xác định đối tượng thuộc diện áp dụng thuế suất 17% và 15% tại khoản 2 và 3 Điều 10; số thuế TNDN phải nộp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu (Điều 11); ngành, nghề, địa bàn ưu đãi thuế TNDN và việc áp dụng ưu đãi thuế TNDN trong một số trường hợp (khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 12); thuế suất ưu đãi, thời gian miễn giảm thuế dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng, các trường hợp miễn, giảm thuế khác, chuyển lỗ và điều kiện áp dụng ưu đãi thuế (khoản 1 Điều 13; khoản 6 Điều 14; Điều 15; Điều 16; khoản 1, khoản 3 và khoản 5 Điều 18; khoản 3 Điều 19).
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương, về phân cấp, phân quyền, cần thiết phải rà soát các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của các Bộ về thuế TNDN đảm bảo cho việc thực hiện thông suốt, không phát sinh vướng mắc.
Theo Bộ Tài chính, Điều 2 Luật Thuế TNDN giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Để thống nhất với pháp luật quản lý thuế, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán và trên cơ sở kế thừa các quy định đang thực hiện ổn định, Bộ Tài chính đề xuất quy định chi tiết về người nộp thuế tại Điều 2 dự thảo Nghị định như sau:
Người nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
a) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Dầu khí, Luật Thương mại và quy định tại các văn bản pháp luật khác dưới các hình thức như: Công ty cổ phần; công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty hợp danh; công ty quản lý quỹ; doanh nghiệp tư nhân; các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; các bên trong hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, xí nghiệp liên doanh dầu khí, công ty điều hành chung.
b) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam.
c) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam
Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó.
Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú.
Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số, nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
Cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm:
- Chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, phương tiện vận tải, mỏ dầu, mỏ khí, mỏ hoặc địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên khác tại Việt Nam.
- Địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp.
- Cơ sở cung cấp dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tư vấn thông qua người làm công hoặc tổ chức, cá nhân khác.
- Đại lý cho doanh nghiệp nước ngoài.
- Đại diện tại Việt Nam trong trường hợp là đại diện có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài hoặc đại diện không có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài nhưng thường xuyên thực hiện việc giao hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.
- Nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số mà thông qua đó doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.
d) Tổ chức kinh tế được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
đ) Các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Nghị định này.
e) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã;
g) Tổ chức khác ngoài tổ chức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Nghị định này.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất, tổ chức được thành lập và hoạt động (hoặc đăng ký hoạt động) theo quy định của pháp luật Việt Nam (bao gồm cả tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại, tổ chức quản lý nền tảng số) là người nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại nguồn trong trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ (kể cả mua dịch vụ gắn với hàng hóa, mua hàng hóa được cung cấp, phân phối theo hình thức xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số hoặc theo các điều khoản thương mại quốc tế) trên cơ sở hợp đồng ký kết với doanh nghiệp nước ngoài quy định tại các điểm c, d khoản 2 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Bộ Tài chính quy định cụ thể nghĩa vụ thuế quy định tại khoản này.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn