Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình thực hiện Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế tại Kho bạc Nhà nước Trung ương và Kho bạc Nhà nước địa phương.
Cụ thể, tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) Trung ương, mô hình quản lý thanh toán chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.
Thứ nhất, theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 (Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ), cần phải hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung của KBNN phù hợp với lộ trình xây dựng, phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia, đáp ứng yêu cầu thanh toán thông suốt; đồng thời, phải mở rộng sự tham gia của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và đa dạng hóa các phương thức thanh toán điện tử trong công tác thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, KBNN chưa có một đơn vị chuyên môn độc lập, tham mưu, giúp KBNN xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các quy trình nghiệp vụ về thanh toán, xây dựng các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho việc thanh toán điện tử, tổ chức triển khai, quản lý công tác thanh toán.
Thứ hai, hệ thống thanh toán của KBNN đã đáp ứng được yêu cầu trước mắt, tuy nhiên, về lâu dài nếu không có những bước đột phá sẽ không thể đáp ứng sự phát triển của công nghệ thanh toán và những đòi hỏi mới của xã hội. Trước bối cảnh đó, KBNN cần hiện đại hóa công tác thanh toán của mình (với 3 trụ cột là hoàn thiện các quy trình thanh toán, hiện đại hóa các ứng dụng CNTT và hoàn thiện bộ máy thanh toán) để theo kịp sự phát triển của công nghệ thanh toán, tránh nguy cơ tụt hậu (so với công nghệ và so với các đối tác trong thanh toán là các hệ thống ngân hàng), đồng thời đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội về thu, chi NSNN.
Thứ ba, cần phải nâng cao hơn nữa năng lực giám sát, quản lý rủi ro trong hoạt động thanh toán.
Việc sắp xếp, sáp nhập KBNN cấp huyện đã đạt được một số kết quả tích cực trong việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm cấp trung gian; tuy nhiên, quá trình sắp xếp cũng bộc lộ một số những hạn chế, bất cập như sau:
Về thực hiện nhiệm vụ chính trị: Trong điều kiện hệ thống quy trình nghiệp vụ, quy chế quản lý, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đã được xây dựng và hoàn thiện đồng bộ với hệ thống công nghệ thông tin của KBNN các cấp, việc sắp xếp bộ máy KBNN, đặc biệt là KBNN cấp huyện dẫn đến chưa đảm bảo tính đồng bộ, tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí để chỉnh sửa hệ thống các quy trình, quy chế và hoàn chỉnh ứng dụng CNTT cho phù hợp.
Về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc: Việc sáp nhập KBNN cấp huyện dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trụ sở làm việc. Trụ sở của KBNN cấp huyện thừa ra trong khi trụ sở KBNN cấp tỉnh không đủ chỗ để bố trí cho cán bộ làm việc do công năng được thiết kế phù hợp với số lượng cán bộ của KBNN cấp tỉnh.
Theo đó, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, khắc phục một số những hạn chế, vướng mắc nêu trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung chức năng của Kho bạc Nhà nước như sau:
Sửa đổi, bổ sung một số cụm từ trong chức năng "thực hiện việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ theo quy định của pháp luật" tại Điều 1 Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg như sau:
Bỏ cụm từ "cho đầu tư phát triển" do việc huy động vốn cho NSNN đã bao gồm mục đích huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Thay cụm từ "trái phiếu Chính phủ" thành "công cụ nợ của Chính phủ tại thị trường vốn trong nước" để phù hợp với quy định tại Khoản 9 Điều 3, điểm g Khoản 1 Điều 15 Luật Quản lý nợ công năm 2017.
Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước như sau:
Về quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quỹ tài chính nhà nước: Trước đây, tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc quản lý Quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, tại Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn đã không còn khái niệm này. Do đó, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của KBNN trong việc quản lý quỹ ngoại tệ tập trung của NSNN quy định điểm c khoản 6 Điều 2 Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg thành: "Thực hiện thu, chi NSNN bằng ngoại tệ; thực hiện mua, bán ngoại tệ theo quy định pháp luật" để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 8 Điều 26 và Khoản 1 Điều 13 Luật Ngân sách Nhà nước 2015.
Bổ sung nhiệm vụ "tổ chức quản lý công tác thanh toán của hệ thống Kho bạc Nhà nước" để đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển hệ thống thanh toán gắn với Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.
Về huy động vốn cho NSNN: Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của KBNN trong việc tổ chức huy động vốn cho NSNN để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách nhà nước, khoản 2 Điều 8 và khoản 6 Điều 36 Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán, cụ thể: "Tổ chức huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua hình thức phát hành công cụ nợ của Chính phủ tại thị trường vốn trong nước (gọi là công cụ nợ của Chính phủ); thanh toán gốc, lãi công cụ nợ của Chính phủ và các chi phí có liên quan; thực hiện các nghiệp vụ tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ thông qua mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ theo quy định của pháp luật".
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh