Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Tài chính cho biết, cơ chế quản lý tài chính và biên chế ban hành kèm theo Quyết định số 54/2013/QĐ-TTg được thực hiện từ năm 2013 đến nay, đã tạo nguồn lực tài chính để KBNN hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao và thực hiện thành công Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại kỳ họp thứ 6, ngày 10/11/2023 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 104/NQ-QH15 về dự toán Ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó đã quy định: "Từ ngày 01/7/2024: Bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước".
Như vậy, cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước (trong đó có cơ chế quản lý tài chính của KBNN theo Quyết định số 54/2013/QĐ-TTg) sẽ chấm dứt tại thời điểm 01/7/2024 để áp dụng chung cơ chế quản lý tài chính đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính.
Từ tình hình nêu trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ký ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 54/2013/QĐ-TTg trong điều kiện từ ngày 01/7/2024 bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất, với nội dung khắc phục kết luận "không nộp ngân sách nhà nước chênh lệch thu chi nghiệp vụ" của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và kiến nghị "chưa có cơ chế nộp ngân sách nhà nước đối với chênh lệch thu chi từ hoạt động ngân quỹ" của Kiểm toán Nhà nước, cụ thể:
Quy định nộp ngân sách nhà nước đối với khoản chênh lệch giữa nguồn thu nghiệp vụ với nhu cầu chi của KBNN theo cơ chế tài chính của KBNN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, bổ sung khoản 8 Điều 8. Sử dụng kinh phí tăng thu tiết kiệm chi:
"8. Số kinh phí còn lại (nếu có) sau khi đã thực hiện các nội dung từ khoản 1 đến khoản 7 Điều này, Kho bạc Nhà nước nộp vào ngân sách trung ương".
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát các nội dung của Thông tư số 180/2013/TT-BTC quy định thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế của Kho bạc Nhà nước. Theo đó, chỉ có một nội dung tại Thông tư 180/2013/TT-BTC không phù hợp với dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 54/2013/QĐ-TTg. Cụ thể tại khoản 8 Điều 7. Sử dụng kinh phí tăng thu tiết kiệm chi:
"8. Số kinh phí còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập Quỹ và bảo đảm các nội dung chi nêu trên, Kho bạc Nhà nước bổ sung toàn bộ vào Quỹ phát triển hoạt động ngành".
Để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cần bãi bỏ nội dung không phù hợp nêu trên. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ nội dung tại Khoản 8 Điều 7 của Thông tư 180/2013/TT-BTC.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh