• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Điểm mới trong quy định trường đạt chuẩn quốc gia

(Chinhphu.vn) - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 22 bổ sung quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia do quy định cũ không còn phù hợp với thực tiễn.

12/12/2024 11:20
Điểm mới trong quy định trường đạt chuẩn quốc gia- Ảnh 1.

Nhiều điểm mới trong quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đat chuẩn quốc gia - Ảnh minh họa

Theo Bộ GD&ĐT, sau 6 năm triển khai thực hiện Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 17/2018, Thông tư số 18/2018 và Thông tư số 19/2018, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Các sở GD&ĐT đã tích cực triển khai chủ trương, chính sách và quy định để đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn KĐCLGD và đạt chuẩn quốc gia; sử dụng kết quả làm cơ sở để tham mưu cho địa phương trong đầu tư nguồn lực (bố trí giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, …) và chỉ đạo các nhà trường thực hiện việc cải tiến chất lượng.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nhìn nhận, sau 6 năm ban hành, Quy định về KĐCLGD và công nhận đạt chuẩn quốc gia đã có một số điểm không còn phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới và với thực tiễn.

Để kịp thời hoàn thiện quy định này, Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 22/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo các Thông tư số 17, 18, 19 nói trên.

Giảm thời gian đánh giá tiêu chuẩn

Thông tư số 22 được ban hành sẽ tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý, chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước và trong thực hiện của cơ sở giáo dục, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nhiều địa phương đã và đang thực hiện sáp nhập các trường học thành trường phổ thông có nhiều cấp học.

Theo đó, Thông tư mới sửa đổi, bổ sung về bộ tiêu chuẩn đánh giá để thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: Tiêu chuẩn quy định về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quy định về thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo phân cấp tại Quyết định số 1015 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ; theo đó, phân cấp thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia từ chủ tịch UBND cấp tỉnh về cho giám đốc sở GD&ĐT và một số nội dung quy định khác.

Về tiêu chuẩn đánh giá, Thông tư mới giảm thời gian 1 năm so với quy định trước đây để nếu nhà trường đạt KĐCLGD ở cấp độ thấp thì sau ít nhất 1 năm (quy định trước đây là 2 năm) kể từ ngày được công nhận được đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận đạt KĐCLGD ở cấp độ cao hơn. Quy định này tạo động lực cho địa phương, nhà trường đẩy nhanh tiến độ đầu tư nguồn lực và tập trung thực hiện cải tiến nâng cao chất lượng.

Về tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, Thông tư đã đưa ra quy định nhà trường phải đảm bảo theo quy định chung của Chính phủ và lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo kế hoạch của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Với quy định này, Hiệu trưởng nhà trường sẽ chủ động đưa vào kế hoạch hằng năm việc phân công giáo viên tham dự các khóa học nâng cao trình độ để đáp ứng quy định của Luật Giáo dục năm 2019, bảo đảm lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo kế hoạch của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điểm mới đáng chú ý ở Thông tư số 22 là sửa đổi quy định về tiêu chuẩn đánh giá cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ở các cấp học (Tiêu chuẩn 3) để thống nhất với quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất, phòng học bộ môn, thư viện của cơ sở giáo dục. Trong đó, quy định cụ thể tiêu chuẩn đánh giá đối với trường phổ thông có nhiều cấp học. Quy định này nhằm đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, mang lại quyền lợi cho học sinh.

Với quy định ở Tiêu chuẩn 3, các nhà trường sẽ phải làm tốt công tác tham mưu để có được sự quan tâm, vào cuộc của địa phương trong đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

Thông tư mới cũng bổ sung những quy định mới theo hướng thực hiện phân cấp mạnh từ cấp Bộ GD&ĐT đến cấp UBND cấp tỉnh cho sở GD&ĐT.

Cụ thể, việc thành lập đoàn đánh giá ngoài và thẩm quyền cấp và thu hồi bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia của các cấp học theo phân cấp tại Quyết định số 1015 của Thủ tướng Chính phủ do giám đốc sở GD&ĐT ban hành quyết định thành lập đoàn đánh giá ngoài để đánh giá, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia (trước đây, chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định thành lập đoàn đánh giá ngoài để đánh giá, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia).

Giao nhiệm vụ tập huấn đánh giá ngoài cho sở GD&ĐT để các sở GD&ĐT chủ động, đáp ứng nhu cầu trong thực hiện kế hoạch đánh giá ngoài của địa phương. Ngoài ra, Thông tư số 22 cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn đánh giá ở các cấp cho phù hợp với thực tiễn.

Một điểm mới nữa của Thông tư số 22 là đã đưa vào quy định nhà trường được sử dụng minh chứng bằng hình thức văn bản điện tử trong hoạt động KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với trường đáp ứng quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư.

Vũ Phong