Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Bằng - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Savico (Bắc Ninh) phản ánh một số bất cập trong quy định cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho các doanh nghiệp nhỏ và đề nghị cơ quan chức năng xem xét, có giải pháp phù hợp.
Ông Bằng đã tham khảo quy định đăng ký chứng chỉ năng lực theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, Thông tư số 17/2016/TT-BXD và nhận thấy một số bất cập.
Cụ thể, nếu đăng ký cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng III, doanh nghiệp cũng cần tới nhân sự tối thiểu là 3 người chủ trì và 5 người trong bộ máy. Để đăng ký tư vấn thiết kế dân dụng, tư vấn giao thông, tư vấn giám sát, mỗi chuyên ngành cần 3 người chủ trì và 5 người trong bộ máy. Như vậy, để doanh nghiệp được cấp chứng chỉ năng lực cấp III với 3 chuyên ngành thì cần đến 24 người. Mỗi tháng công ty phải trả lương và đóng BHXH cho 24 nhân sự nêu trên, điều này quá khó khăn đối với doanh nghiệp nhỏ.
Theo ông Bằng, việc quy định như vậy thì chỉ một số doanh nghiệp lớn và chủ yếu là các trung tâm trực thuộc Sở là đủ điều kiện. Điều này dẫn đến tình trạng ùn ứ công trình nhỏ, chủ đầu tư phải đi tìm nhờ các công ty và các ban làm, sẽ dẫn đến tình trạng quan liêu trong chính sách.
Do vậy, ông đề xuất, quy định như trên chỉ áp dụng đối với công trình cấp I, II yêu cầu kỹ thuật cao, nguồn vốn lớn, công trình đặc thù và lĩnh vực thẩm định, các công trình còn lại nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trẻ và các kỹ sư có năng lực phát huy khả năng và phát triển.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
Công trình xây dựng là loại sản phẩm hàng hóa đặc thù được hình thành trong tương lai, chất lượng và an toàn của công trình (liên quan đến an toàn cộng đồng) phụ thuộc chủ yếu vào năng lực của cá nhân, tổ chức tham gia vào các hoạt động xây dựng như lập quy hoạch xây dựng, khảo sát, thiết kế, thi công,… để tạo ra công trình. Do đó, năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động xây dựng được pháp luật quy định và quản lý chặt chẽ.
Theo quy định của pháp luật về xây dựng hiện hành, năng lực của tổ chức được đánh giá trên cơ sở xem xét một cách tổng thể các tiêu chí về nhân sự, kinh nghiệm thực hiện công việc, tài chính, quy trình quản lý chất lượng và khả năng huy động máy móc thiết bị.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ hoặc mới thành lập hoàn toàn có thể đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cấp III vì Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng chỉ yêu cầu tối thiểu về nhân sự của tổ chức, không yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện công việc, tài chính,…
Trường hợp tổ chức chưa đủ điều kiện cấp chứng chỉ năng lực (kể cả hạng III) thì theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 Thông tư số 17/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng đã quy định tổ chức này được tham gia các hoạt động xây dựng đối với dự án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình quy mô cấp IV; dự án sửa chữa, cải tạo, bảo trì công trình quy mô cấp IV.
Chinhphu.vn