Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 54 Luật BHXH năm 2014, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
Căn cứ thông tin ông Nguyễn Xuân Đỗ cung cấp, nhận thấy ông Đỗ đã tham gia, đóng BHXH liên tục từ ngày 1/1/1989 đến nay, đến ngày 1/1/2009 ông đã có đủ 20 năm đóng BHXH, hiện nay ông Đỗ đã có trên 20 năm đóng BHXH.
Do ông Đỗ không nêu rõ ông làm nghề, công việc gì, thời gian làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là bao lâu, do vậy đề nghị ông đối chiếu độ tuổi được nghỉ hưu tương ứng với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã và đang làm, để tính năm, tháng nào ông được nghỉ việc hưởng lương hưu, như sau:
Ông Đỗ sinh ngày 3/5/1968, đến ngày 3/5/2018 đủ 50 tuổi. Trong khoảng thời gian từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, mà ông Đỗ có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò thì ông được nghỉ việc hưởng lương hưu.
Đến ngày 3/5/2023, ông Đỗ đủ 55 tuổi. Trong khoảng thời gian từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, mà ông Đỗ có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì ông được nghỉ việc hưởng lương hưu.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.